Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản ký kết hợp tác gần 10 tỷ USD

19 văn bản bao gồm giấy phép và thỏa thuận hợp tác đầu tư có tổng giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD đã được ký và trao đổi trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo báo VnExpress, ngày 10/10, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản nhân chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật, lãnh đạo Chính phủ đã chứng kiến nhiều lễ ký, trao đổi thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước với tổng giá trị gần 10 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đây là giá trị tính chung gồm các văn bản đã được trao tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp - Thủ tướng Shinzo Abe cách đây 2 ngày,

Dẫn kết quả khảo sát của JETRO, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 70% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian tới. Việt Nam hấp dẫn với những lợi thế đầu tư về quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng, chính trị xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ.

Nhắc tới những điểm mới trong môi trường đầu tư của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, ngoài môi trường đầu tư kinh doanh đang cải thiện từng ngày, Việt Nam cũng đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thông qua bán cổ phần các doanh nghiệp lớn về vận tải, hàng không, hạ tầng, viễn thông... 

"Các doanh nghiệp của Nhật Bản có tiềm lực mạnh về tài chính, năng lực quản trị tốt, mạng lưới thị trường quốc tế, sẽ trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam", Thủ tướng khẳng định. 

Theo báo Chính phủ, cách đây 5 năm, Việt Nam đã phê duyệt chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp: Điện tử, máy nông nghiệp, chế biến nông thủy sản, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang được xem là một trong các hình mẫu của đầu tư FDI tại Việt Nam về sự kiên nhẫn, ý chí, quyết tâm, về kỷ luật, trung thực và tính hiệu quả trong đầu tư. Vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đang đóng vai trò dẫn động và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Hiện tại, có nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm có uy tín, tính cạnh tranh, hàm lượng kỹ thuật cao, tham gia tích cực vào hoạt động xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến hai bên ký kết, trao các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hạ tầng cơ sở chất lượng cao, như hệ thống giao thông, năng lượng, viễn thông, hạ tầng khu công nghiệp theo nhiều hình thức linh hoạt, trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy Chương trình hạ tầng chất lượng cao ra khu vực Mekong.

Việt Nam đang phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp với khu vực và toàn cầu, khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam theo các thủ tục đơn giản về chuyển nhượng vốn, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

Thủ tướng tin tưởng, từ Hội nghị xúc tiến đầu tư hôm nay, sẽ có thêm nhiều ý tưởng, đề xuất mới, đặc biệt là đề xuất những giải pháp, những khuyến nghị, cách thức để biến những ý tưởng đó thành những kế hoạch đầu tư thật cụ thể, “biến những ước mơ lớn của chúng ta thành hiện thực”.

Thủ tướng khẳng định cam kết môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được cải thiện và “các bạn hãy đến với Việt Nam để hai bên chúng ta cùng phát triển bền vững và phát triển lâu dài”.

Theo thuonghieuvaphapluat.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com