Ngày 7/11/2018 sẽ là một ngày trọng đại trong lịch sử ngành khúc xạ nhãn khoa mới được thành lập ở Việt Nam. Tinh thần này được lan tỏa khắp TP.HCM đánh dấu thời điểm khóa cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên được đào tạo tại Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch tốt nghiệp trong năm nay.
Mười hai sinh viên khúc xạ nhãn khoa đầu tiên tốt nghiệp hôm nay là thế hệ tiên phong, sẽ gia nhập cùng với 12 chuyên viên khúc xạ nhãn khoa được đào tạo ở nước ngoài hiện đang hành nghề tại Việt Nam. Trong năm 2013, Việt Nam mới chỉ có ba chuyên viên khúc xạ nhãn khoa có tay nghề để phục vụ cho 90 triệu dân, và hôm nay con số này đã tăng lên gấp nhiều lần – đây là một bước tiến nhảy vọt lớn.
Các cử nhân khúc xạ nhãn khoa thế hệ đầu tiên này sẽ sử dụng các kiến thức và năng lực chuyên môn của mình giúp giải quyết nhu cầu chăm sóc mắt chưa được đáp ứng đang ngày càng gia tăng trên pham vi toàn quốc sau khi hoàn thành xuất sắc bốn năm học. Lễ tốt nghiệp hôm nay là dấu mốc được mong đợi nhất trong chiến lược hợp tác 10 năm giữa Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam và Úc và Tổ chức phi chính phủ quốc tế - Viện Thị Giác Brien Holden quốc tế ( Viện Thị Giác). Hiện có hơn 300 sinh viên khúc xạ nhãn khoa đang theo học tại hai trường khúc xạ nhãn khoa tiên phong tại Việt Nam. Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ có khóa cử nhân khúc xạ nhãn khoa đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam tốt nghiệp trong tháng 11 này. Tiếp đến là Trường Đại học Y Hà Nội với khóa khúc xạ nhãn khoa đầu tiên tuyển sinh được hơn 60 sinh viên vào năm 2015 sẽ có khóa sinh viên tốt nghiệp vào năm 2019. Mô hình này sẽ tiếp tục mỗi năm và đến năm 2020 sẽ có hơn 250 cử nhân khúc xạ nhãn khoa có tay nghề để phục vụ dân số ngày càng gia tăng tại Việt Nam.
Tiến sĩ Serge Resnikoff, Chuyên gia tư vấn cao cấp về Sức khỏe và Phát triển toàn cầu và Nguyên Giám đốc Chương trình Phòng chống Mù và Điếc của Tổ chức Y tế Thế giới đang tham dự buổi lễ tốt nghiệp. “Tôi rất lấy làm vinh dự khi được chứng kiến lễ tốt nghiệp của khóa cử nhân khúc xạ đầu tiên được đào tạo tại Việt Nam”. Tiến sĩ Resnikoff nói. “Sự phát triển của ngành khúc xạ nhãn khoa là giải pháp rất cần thiết giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, đặc biệt là đối với việc loại bỏ các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh được do tật khúc xạ không được chỉnh kính gây nên. Các cử nhân khúc xạ nhãn khoa sẽ giúp gia tăng hiệu suất các dịch vụ chăm sóc mắt ở Việt Nam và nâng cao hiệu quả chi phí của hệ thống y tế. ”
Nhu cầu điều chỉnh thị lực toàn cầu đã tạo ra một cuộc khủng hoảng chăm sóc sức khỏe gây ra đói nghèo và khuyết tật trên toàn thế giới. Ước tính có khoảng 21 triệu người Việt Nam cần các dịch vụ chăm sóc mắt nhưng không được tiếp cận với chuyên viên khúc xạ nhãn khoa, được khám mắt hoặc được cung cấp kính. Ba triệu trong số đó là trẻ em và có các vấn đề phức tạp hơn, nghiên cứu gần đây cho thấy 67% trẻ em đã khám mắt nhưng vẫn không có kính mà các em thực sự cần để có thể nhìn rõ hơn.
Tỷ lệ suy giảm thị lực do tật khúc xạ và cận thị ở Việt Nam đang rất cao so với quy mô toàn cầu. Hàng triệu trẻ em Việt Nam hiện đang sống với thị lực không tốt và nhiều em không thể nhìn rõ bài học ở trên lớp hay nhận ra khuôn mặt bạn bè, người thân xung quanh mình. Nguyên nhân của cận thị được biết đến là do cả yếu tố di truyền và môi trường.
“Tỷ lệ chăm sóc mắt cho thấy tật khúc xạ không được chỉnh kính là rất cao, chiếm 11,4% đặc biệt ở nhóm 50 tuổi trở lên. Số liệu thực tế còn cho thấy có khoảng 10,5 triệu người trên 50 tuổi không có kính nhìn gần. Một nghiên cứu gần đây được tiến hành tại Việt Nam cho thấy 21,4% học sinh có tật khúc xạ không được chỉnh kính ở một số khu vực ”, bà Huỳnh Phương Ly, Trưởng đại diện Viện Thị Giác Brien Holden cho biết.
PGS. Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch trao bằng cử nhân khúc xạ nhãn khoa cho sinh viên tốt nghiệp khóa đầu tiên
Cận thị thường bắt đầu ở độ tuổi đi học (sáu tuổi trở lên) và có thể trở nên tồi tệ hơn cho đến những năm đầu ở độ tuổi trưởng thành. Điều này được gọi là cận thị bắt đầu ở độ tuổi thanh thiếu niên. Nó cũng có thể xảy ra ở người lớn (tuổi từ 20 đến 40) mà không có tiền sử bệnh khi còn nhỏ, được gọi là cận thị bắt đầu sớm ở người lớn. Trẻ sơ sinh cũng có thể được sinh ra với mức độ cận thị cao (cận thị bẩm sinh).
Chiến lược của chúng tôi là loại bỏ các bệnh gây mù lòa có thể phòng tránh được do tật khúc xạ không được chỉnh kính ở Việt Nam bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng nhân lực thông qua phát triển ngành khúc xạ nhãn khoa và thay đổi chính sách qua việc tham gia xây dựng các kế hoạch chăm sóc mắt quốc gia cùng với các bộ, ban ngành, các cơ quan mũi nhọn trong và ngoài nước. Mục tiêu lớn là để giúp mọi trẻ em, ở khắp nơi được tiếp cận với việc chăm sóc mắt và được cấp kính khi cần để có khả năng tiếp cận đầy đủ các cơ hội trong tương lai.PGS. Ngô Minh Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch
Y Khanh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com