Sau 3 năm thực hiện, vào đầu năm học 2018-2019, chương trình Sữa học đường thí điểm ở Nghệ An phải tạm dừng chờ thủ tục đấu thầu, dẫn đến hơn 300 nghìn học sinh (HS) mầm non-tiểu học tại địa phương chưa có sữa uống.
Sữa học đường đặt ra mục tiêu góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em. Ảnh: N.H
Sau 3 năm thực hiện, vào đầu năm học 2018-2019, chương trình Sữa học đường thí điểm ở Nghệ An phải tạm dừng chờ thủ tục đấu thầu, dẫn đến hơn 300 nghìn học sinh (HS) mầm non-tiểu học tại địa phương chưa có sữa uống.
Từ đầu năm học 2018 - 2019 đến nay, Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn đã tổ chức thống kê số liệu của chương trình "Sữa học đường". Theo đó, số HS tiểu học và mầm non là 14.908 em, có 10.524 em tham gia, chiếm tỉ lệ 70,5%. Theo quy định, HS con hộ nghèo được miễn phí 100%, hộ cận nghèo được giảm 50%, diện bình thường giảm 30%.
Báo cáo của Phòng GDĐT Kỳ Sơn cho biết: Đơn vị đã ký hợp đồng thỏa thuận với Tập đoàn TH, cung cấp số liệu đầy đủ nhưng đến thời điểm này, các trường trên địa bàn chưa đơn vị nào được cung ứng sữa và lý do tại sao cũng không rõ.
Tình trạng nói trên diễn ra ở tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Thầy Lê Trung Sơn - Trưởng phòng GDĐT huyện Nam Đàn - cho hay, đơn vị đã cung cấp đầy đủ số liệu, thông tin cho Tập đoàn TH, nhưng từ đầu năm đến nay họ không cung cấp sữa. “Hỏi thì họ cứ nói đợi thời gian nữa, nhưng mãi không thấy cung cấp” - thầy Sơn nói.
Tại Nghệ An, năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên triển khai chương trình "Sữa học đường" thí điểm do Tập đoàn TH cung cấp các sản phẩm. Đến năm 2016 - 2017, chương trình mở rộng tại 21/21 huyện, thành, thị, với 311.733 HS tại các trường mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỉ lệ 69%).
Năm học 2018-2019, chương trình nói trên bị tạm dừng. Theo ông Nguyễn Sỹ Cẩn - Phó phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Y tế Nghệ An - lý do là để chuẩn bị thủ tục, hồ sơ mời các đơn vị cung cấp sữa tham gia đấu thầu rộng rãi.
Về việc tổ chức đấu thầu cung cấp sữa, một cán bộ Sở GDĐT Nghệ An cho hay: “Tôi cho rằng đây là cách làm hay, để tạo ra sự đa dạng trong nguồn cung cấp sữa có chất lượng và hạ giá thành, có lợi nhất cho HS”.
Vị đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho rằng chương trình "Sữa học đường" trong thời gian qua thực hiện tốt, có kết quả khả quan. Tuy nhiên, một số lãnh đạo Phòng GDĐT cho rằng phụ huynh phản ánh chủng loại sữa còn đơn điệu; một số giáo viên và nhà trường vùng cao vận chuyển sữa, cho trẻ uống vất vả nhưng không được hỗ trợ kinh phí.
Việc thu tiền sữa cũng gặp khó khăn, chậm trễ, các bộ phận liên quan khá vất vả.
“Trong quá trình tổ chức cho HS uống sữa, xảy ra hiện tượng tạo ra tâm lý không tốt cho trẻ, như: HS hộ nghèo ngày nào cũng được uống sữa, HS hộ cận nghèo và HS không thuộc hai diện trên nếu cha mẹ không đăng ký mua thì số HS này lại ngồi nhìn các bạn uống sữa” - thầy Phan Văn Thiết - Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Kỳ Sơn cho biết.
Theo LĐO
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com