Từ lâu, bệnh lý tim mạch đã được mệnh danh là “Kẻ giết người thầm lặng” bởi độ nguy hiểm và bất ngờ của nó. Bệnh tim mạch do rất nhiều nguyên nhân và biểu hiện thành các bệnh lý khác nhau như: tăng huyết áp, hẹp hở van tim, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim, phì đại cơ tim, bệnh tim bẩm sinh,... Các bệnh lý tim mạch nếu không điều trị hoặc điều trị không triệt để trong thời gian dài sẽ diễn biến nặng, nguy hiểm nhất là dẫn đến đột tử hoặc suy tim không hồi phục. Khi người bệnh bước vào giai đoạn nặng thì việc điều trị rất khó khăn, tốn kém chi phí và sau khi điều trị, sức khỏe người bệnh cũng khó hồi phục như trước.
Hiện nay, các bệnh lý tim mạch có thể được điều trị bằng thuốc, thực hiện phương pháp can thiệp và đặt các dụng cụ hỗ trợ hoặc phẫu thuật tim. Các phương pháp phẫu thuật tim mạch bao gồm phương pháp mổ mở (với đường mở ngực kinh điển) và phẫu thuật nội soi (ít xâm lấn). Trong đó, phẫu thuật nội soi là phương pháp tiên tiến và chiếm 80% trên tổng số các trường hợp phẫu thuật tim ở các nước phát triển. Phương pháp này có thể áp dụng điều trị cho nhiều bệnh lý tim mạch như: phẫu thuật sửa chữa hoặc thay van 2 lá, van động mạch chủ; phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành; phẫu thuật tim bẩm sinh thông liên nhĩ, thông liên thất; cắt khối u nhầy trong tim. Cùng với sự phát triển khoa học kỹ thuật, các thiết bị hỗ trợ cho kỹ thuật mổ tim nội soi ngày càng hiện đại, kích thước thiết bị nhỏ dần để phù hợp cho việc điều trị ở trẻ nhỏ. Đến nay, trẻ em trên 15 kg đã có thể áp dụng điều trị bằng kỹ thuật phẫu thuật nội soi.
PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết: “So với phương pháp mổ hở truyền thống thì phương pháp mổ tim nội soi có những ưu điểm vượt trội như giúp người bệnh tránh phải cưa xương ức, sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, giảm mất máu, giảm thời gian thở máy sau mổ, quá trình phục hồi nhẹ nhàng, thời gian phục hồi nhanh. Phẫu thuật nội soi tim đặc biệt có lợi với những trường hợp mổ lại. Cụ thể, với người bệnh đã được thay van hai lá nhân tạo trước đây, sau thời gian 10-15 năm van tim bị hư, cần phẫu thuật thay van tim mới. Việc thực hiện cùng đường mổ ở lần mổ sau sẽ rất khó khăn và nguy hiểm vì các mô bên dưới bị dính chặt sau cuộc mổ đầu tiên. Với phẫu thuật nội soi tim, bác sĩ có thêm một cách tiếp cận tim khác ngoài đường mổ dọc xương ức.”
Đến nay, Khoa Phẫu thuật tim mạch BV ĐHYD đã thực hiện phẫu thuật tim nội soi cho hơn 400 trường hợp với tỷ lệ thành công cao, người bệnh phục hồi khả quan. Để có hiệu quả điều trị như vậy, đội ngũ bác sĩ của Khoa đã được huấn luyện, đào tạo tại Trung tâm tim mạch Leipzig (CHLB Đức), Trung tâm Tim mạch Texas (Hoa Kỳ) về kỹ thuật này. Bên cạnh đó, Khoa cũng được đầu tư hệ thống trang thiết bị ngoại nhập chuyên biệt dành cho phẫu thuật tim nội soi.
Trường hợp thành công điển hình là người bệnh Nguyễn Văn Tr. (49 tuổi, nam, Đồng Nai) được chẩn đoán bệnh van động mạch chủ và bệnh van hai lá nặng hậu thấp. Sau nhiều năm theo dõi và điều trị thuốc không hiệu quả, bệnh tình của anh Tr. diễn tiến nặng hơn khiến người bệnh khó thở khi gắng sức, công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng. Khi đến khám tại BV ĐHYD, người bệnh được chỉ định phẫu thuật nội soi thay 2 van tim. Ca mổ đã diễn ra thành công, người bệnh hồi phục tốt và không còn khó thở, xuất viện sau vài ngày với sẹo mổ nhỏ ở ngực bên phải.
Một trường hợp khác là chị Phạm Ngọc L (23 tuổi, Trà Vinh). Chị được chẩn đoán hở van 2 lá nặng, có sùi trên van 2 lá. Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở dữ dội và được phẫu thuật tim nội soi thay van 2 lá, đồng thời cắt bỏ khối sùi. Hiện tại, bệnh nhân đã hồi phục tốt và sinh hoạt bình thường.
Cũng theo PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Định, để có một trái tim khỏe mạnh, mọi người cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh như sau:
– Sử dụng các thực phẩm có lợi cho hệ tim mạch, ít mỡ bão hoà và cholesterol, nhiều rau, quả, cá…
– Giảm cân nếu bạn thừa cân.
– Hạn chế lượng muối đưa vào cơ thể.
– Tập luyện thể dục ít nhất 30 phút vận động mỗi ngày
– Không hút thuốc.
– Học cách giảm căng thẳng, tránh phản ứng với các tình huống có thể gây stress.
– Khám sức khỏe định kỳ để đánh giá mức độ nguy cơ của bạn.
– Kiểm soát tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu…
Y Khanh
Tags:
sức khỏe
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com