Vượt qua hơn 5.000 sinh viên từ 175 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong khu vực ASEAN, đội Pangolin đến từ Đại học RMIT đã đại diện cho Việt Nam xuất sắc giành giải Ba vòng chung kết khu vực cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN tại Singapore. Ông S. Iswaran, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore, đã trao giải cho đội thắng cuộc.
Ông S. Iswaran, Bộ trưởng Bộ thông tin & truyền thông Singapore trao giải 3 cho hai bạn Mai Thanh Tùng và Nguyễn Văn Thuận (đội Pangolin)
Hai thành viên của đội Pangolin gồm Nguyễn Văn Thuận và Mai Thanh Tùng đã đưa ra những phân tích và giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề liên quan tới những bất lợi thương mại từ năng lực vận chuyển hàng hải hạn chế ở khu vực ASEAN trong dự án “Chinh phục các làn sóng thương mại toàn cầu”.
Bạn Mai Thanh Tùng, sinh viên ngành Kinh tế và Tài chính RMIT Việt Nam, cho biết: “Sau khi tham dự cuộc thi, tôi nhận thấy phần mềm phân tích dữ liệu là trợ thủ đắc lực cho mọi nhu cầu phân tích của chúng ta. Chúng tôi đã học được cách dùng SAP Analytíc Cloud để phân tích sâu những thông tin phức tạp, tổng hợp chúng để đưa ra những tranh luận sắc bén, nhờ đó tạo ra những thách thức xã hội không chỉ ảnh hưởng tới những công dân Việt Nam như chúng tôi, mà còn tới người dân các nước thành viên ASEAN. Trong bài thuyết trình của mình, chúng tôi đã kết luận rằng tầm nhìn về đô thị thông minh nên bao gồm việc tự động hóa thương mại, cũng như các thủ tục hải quan tại các cửa khẩu và cảng biển xuyên suốt ASEAN. Chúng tôi thấy đây là yếu tố mà khu vực ASEAN đang thiếu hụt trầm trọng”.
Còn bạn Nguyễn Văn Thuận, sinh viên ngành Marketing ĐH RMIT Việt Nam, lại chia sẻ rằng nhờ nghe bài thuyết trình của các nhóm khác, bạn đã hiểu thêm về rất nhiều thách thức mà khu vực ASEAN đang gặp phải, “từ các vấn đề xã hội như sức khỏe tinh thần, vấn nạn thất nghiệp, cho tới các vấn đề kinh tế chính trị như đẩy lùi nạn tham nhũng hoặc thúc đẩy giáo dục khởi nghiệp cho giới trẻ”. “Trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ số đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, khối lượng dữ liệu từ các tổ chức đang bùng nổ theo cấp số nhân, vì vậy, nhu cầu về nhân sự phân tích dữ liệu cũng gia tăng tương ứng. Phân tích dữ liệu là kỹ năng của tương lai. Tôi rất mừng vì đã học hỏi được kỹ năng này khi tham dự cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN”, Thuận chia sẻ thêm.
Bà Elaine Tan, Giám đốc điều hành Quỹ ASEAN, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của giáo dục như một trong những nền tảng trọng yếu trong kế hoạch chi tiết nhằm thúc đẩy việc hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực ASEAN. Bà nói: “Chính vì vậy, những sáng kiến như cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tương tác và giao lưu xuyên biên giới, đồng thời trang bị cho giới trẻ những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cho một tương lai đầy thách thức và biến đổi hơn bao giờ hết. Chúng tôi rất tự hào với sự sáng tạo và những sáng kiến mà các đội thi đưa ra trong vòng thi chung kết khu vực hôm nay, vì nó phản ảnh rõ nét khát vọng của giới trẻ ASEAN trong việc kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn cho cộng đồng”.
Đội Plan B, đến từ Trường chuyên Toán và Khoa học thuộc Đại học quốc gia Singapore, đã giành chức vô địch, còn giải Nhì thuộc về đội Dimicrocambio đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Nueva Ecija (Philippines).
Đây là năm thứ hai liên tiếp cuộc thi ASEAN DSE, thuộc khuôn khổ chương trình hợp tác chiến lược giữa Quỹ ASEAN và SAP, được tổ chức tại mười quốc gia thành viên ASEAN nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về cộng đồng ASEAN thông qua công nghệ số.
Bằng việc sử dụng nền tảng phân tích SAP Analytics Cloud, cuộc thi khuyến khích người tham gia khai thác số liệu để đưa ra phân tích về những vấn đề của ASEAN thuộc sáu mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, bao gồm chăm sóc y tế và phúc lợi tốt, giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, đảm bảo việc làm và tăng trưởng kinh tế, công nghiệp, sáng tạo và cơ sở hạ tầng, và (6) các cộng đồng và đô thị phát triển bền vững.
Minh Thúy/RMIT
Tags:
giáo dục
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com