Học trung cấp có thiệt thòi hơn học phổ thông?

Sau khi tốt nghiệp THCS, đa số học sinh đều mong muốn được học tập tại các trường THPT công lập. Tuy nhiên, theo ước tính, năm nay tại TP.HCM sẽ có khoảng 30.000 học sinh không có chỗ học tại các trường công lập. Nhưng sẽ có nhiều cánh cửa khác sẵn sàng chào đón các em.

TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) chia sẻ bí quyết chọn trường cho học sinh Trường THCS Lê Lai

ThS. Dương Duy Khải (đại diện Trường Trung cấp (TC) CNTT Sài Gòn SITC) thông tin như vậy trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 tại Trường THCS Lê Lai (Q.8) mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của nhiều đơn vị khác. Ngoài thông tin trên, học sinh trong trường còn được các chuyên gia tư vấn về bí quyết chọn trường, chọn nghề để các em tự tin, vững bước trên hành trình thực hiện ước mơ của mình.

Nhu cầu nhân lực TC chiếm tỉ lệ khá cao

Trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh và học sinh, TC là bậc học mà sau khi ra trường bằng cấp sẽ không có giá trị bằng tấm bằng ĐH. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm. Bởi theo ThS. Dương Duy Khải, hiện nay tại TP.HCM nhu cầu nhân lực ở trình độ TC chiếm tỉ lệ khá cao sau trình độ sơ cấp (đào tạo dưới 1 năm), cụ thể: bậc ĐH chiếm 12%, CĐ chiếm 13%, TC chiếm 35% và sơ cấp là 40%. “Học TC dễ, không đòi hỏi tư duy sáng tạo nên học sinh không phải chịu quá nhiều áp lực trong quá trình học tập, thay vào đó các em có nhiều thời gian để học nghề. Không chỉ vậy, sau khi ra trường 100% học sinh có việc làm ngay với mức lương trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng”, ThS. Khải nói.

ThS. Khải cho biết thêm, hiện nay tại Trường TC CNTT Sài Gòn SITC đào tạo 5 nghề, gồm: Quản lý doanh nghiệp; tiếng Anh thương mại; công nghệ kỹ thuật phần cứng máy tính, thiết kế đồ họa và công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông. Ở hệ TC 9+2, học sinh học 1 ngày 2 buổi trong vòng 2 năm với 5 môn văn hóa, học nghề và học tiếng Anh. Sau khi ra trường, học sinh được cấp bằng TC, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông và đạt được trình độ tiếng Anh IELTS 4.5. Với 3 điều kiện này, các em vẫn được phép đăng ký vào trường ĐH, thậm chí sớm hơn 1 năm so với các bạn học THPT, ngoài ra còn được Nhà nước tài trợ 1 phần học phí.

Học sinh Trường THCS Lê Lai đặt câu hỏi cho ban tư vấn về hướng đi sau khi tốt nghiệp

Riêng hệ TC 9+3 (học 3 năm), ngoài nhận bằng TC, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông, người học còn nhận chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.5. Lợi thế của hệ này là học sinh có thể chuyển tiếp vào các trường ở nước ngoài có liên kết với nhà trường như: Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan… và có cơ hội làm việc với mức lương cao. “Không có cánh cửa nào đóng lại vì có rất nhiều ngôi trường đang sẵn sàng chào đón chúng ta như trường tư thục, dân lập; trung tâm GDTX hoặc TC. Do đó, dựa vào năng lực, điều kiện kinh tế gia đình… mà các em có sự lựa chọn cho phù hợp”, ThS. Khải nhắn nhủ.

“Không có áp lực, không có kim cương”

Nhận thấy học ở bậc TC vừa rút ngắn thời gian, việc học lại nhẹ nhàng, em Tất Hữu Duy (lớp 9A7) đặt câu hỏi cho ban tư vấn: “Học những môn văn hóa ở bậc THPT có quá áp lực không?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị tri thức, Sở KH-CN TP.HCM) chia sẻ: “Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp muôn vàn khó khăn, áp lực, thử thách và đôi khi là những biến cố bất ngờ, khó đỡ. Nhưng để thành công, các em phải biết đón nhận những điều đó và tự đứng lên. Sau những lần như vậy, bản thân sẽ tự rút ra được bài học, kinh nghiệm riêng và thấy mình trưởng thành hơn. Không có áp lực, không có kim cương”.

Tại chương trình, nhiều học sinh nam bày tỏ sự quan tâm đối với nghề đầu bếp và pha chế rượu. Nhằm giúp cho các em có cái nhìn tổng quan hơn về nghề mình chọn, ThS. Dương Duy Khải cho biết đây là hai nghề “hot” hiện nay nhưng chỉ đào tạo ở bậc CĐ và TC. Học hai nghề này, các em sẽ có một thời gian thực tập tại doanh nghiệp để chứng tỏ khả năng và tay nghề. Chính vì vậy, nếu trong quá trình học, các em học hành nghiêm túc, có trình độ chuyên môn thì sau khi ra trường không sợ thất nghiệp. Doanh nghiệp không quan tâm đến bằng cấp mà chỉ cần nhân viên của mình có được tay nghề cứng. Vì vậy, 80% việc làm nằm ở bản thân. Đừng ngại khó, ngại áp lực vì khi vượt qua được chắc chắn các em sẽ thành công.

Theo Giáo dục online
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com