Đêm xuân, nhớ đòn bánh tét lá dừa nước …

Khắp các con rạch nhỏ hay triền sông lớn ở miền tây Nam Bộ dừa nước mọc bạt ngàn, mênh mông trở thành hình ảnh thiết thân, quen thuộc đến nỗi có thể dùng để “nhận diện” quê nhà. Bất cứ người con miền sông nước nào dù có “đi bốn phượng trời”, có biết muôn trùng của ngon vật lạ xứ người thì bóng hình những rặng dừa nước và những sản vật từ dừa nước sẽ mãi khắc ghi trong tâm khảm. Nhất là hương vị đòn bánh tét được mẹ, được bà gói bằng lá dừa nước để dành ăn trong ba ngày Tết thuở nào… 

Tuổi thơ với bánh tét gói bằng lá dừa nước


Như tên gọi, dừa nước là loại dừa mọc …dưới nước! Nhưng nó không mọc đơn độc mà thành hàng hàng lớp lớp, thân là những bẹ chìm vào trong bùn và nước, lá và bông, trái thì ở trên mặt nước. Điều đặc biệt của loại cây bẹ này là phát triển rất nhanh trên vùng sông rạch có bùn của Nam bộ, thân bẹ mẹ chưa già thì lớp con đã nhảy ra choáng dần mặt nước. Nó cũng giống như thân cây đước tránh làm bào mòn bờ bãi, dừa nước cũng có tác dụng rất lớn trong việc chống xói mòn sông rạch. Tuy nhiên vì phát triển nhanh nên nó cũng mau làm đầy hết kênh rạch. Dừa nước trong Đông y gọi với cái tên khá “chữ nghĩa” là Du long thái, tên khoa học Nypa fruticans Murb thuộc họ Cau Arecaceae, chứ không thuộc họ với cây dừa. Có lẽ, loài cây này có mặt ở Nam bộ từ thuở hồng hoang, có …hộ khẩu ở vùng đất này trước khi ông cha ta khai sơn phá thủy, vẽ bản đồ cho nước Việt Nam. 

Dừa nước là ân nhân, đóng góp “công trạng” rất lớn đối với người Nam Bộ, nhất là thời kỳ dân còn nghèo. Trước tiên, lá dừa nước được dùng để lợp nhà. Ở miền Tây Nam Bộ trước đây, chỉ có nhà của người giàu, phú ông là lợp ngói, còn lại thảy đều lợp lá dừa nước, gọi là nhà- lá ( miền Tây Nam Bộ không có nhà – tranh, tức nhà lợp bằng lá tranh). Lá dừa nước già được đốn vô, xé làm hai mảnh, đem phơi, hoặc dùng sợi lạt (lấy từ những bẹ dừa nước non đem phơi) may lại liền nhau gọi là lá chằm đớp và đem lợp nhà. Ngày nay, khi công nghiệp phát triển , người ta lợp ngói, fibro ciment nhiều hơn, nhưng, nhà được lợp bằng lá dừa nước vẫn là mát mẻ nhất! 

Dừa nước mọc nhiều ven hai bên sông rạch Nam bộ


Thuở còn thơ ở quê nhà, việc đi ra ven rạch kiếm mấy quài dừa nước “cơm” vừa ăn là sở thích, niềm vui của lũ nhóc như tôi. Cơm dừa nước ăn vừa dòn dòn như cơm thốt nốt hay hạt đác ở miền Trung nhưng lại có vị ngọt, hấp dẫn hơn. Không dừng lại, khoảng từ tháng 8 âm lịch đến khi gió chướng về báo hiệu một cái Tết nữa lại đến, dừa nước ra bông và kết trái nhiều. Lũ trẻ chúng tôi “chơi sang” hơn, nghĩa là không chỉ kiếm các quài dừa nước cơm vừa ăn, mà bẻ các cọng dừa chưa kịp trổ bông, hút vị mật ngọt trong cuống hoa của nó! Trời ơi, chưa có vị ngọt nào thanh thao hơn thế, nó ngọt suốt quãng đời tuổi thơ miền sông nước của tôi! Nay thì...hết rồi, nông thôn ở đâu cũng đô thị hóa dần lên, sông rạch bị thu hẹp hoặc xóa sổ, những rặng dừa nước giờ cũng không còn trùng điệp như xưa! Có những đám dừa nước gắn bó với tuổi thơ tôi, nơi chú tôi đốn bẹ dừa tập bơi cho tôi giờ cũng chỉ còn trong ký ức! 

May thay, dù dừa nước ngày nay diện tích có bị thu hẹp hơn xưa nhưng có một thứ vẫn còn “đủ” để phục vụ cho ẩm thực của người miền sông nước: đó là lá dừa nước! Lá non hiện nay vẫn còn được dùng để gói bánh dừa bán nhiều ở hàng quán miệt vườn. Đặc biệt lá dừa nước già dùng để gói bánh tét thì hương vị ăn vào nghe…nhức nhối những người con xa quê như tôi. Mỗi lần về quê, hay có người nhà từ quê lên đều mang cho tôi loại đặc sản quê nhà này. Bánh tét được gói bằng lá dừa nước ăn ngon hơn, thơm hương đặc trưng và ráo hơn bằng lá chuối, tuy cách làm có cực hơn. Chính vì gói cực hơn gói bằng lá chuối nên hiện nay, ở chợ không phải muốn mua loại banh tét này là có mà số lượng người bán …có hạn! 

Bánh tét gói bằng lá dừa nước

Bánh dừa gói bằng lá dừa nước

Nhớ khi bà ngoại tôi chưa khuất núi, chiều 29 hoặc 30 Tết, là thời điểm bà lụi hụi dưới bếp chuẩn bị củi lửa, nồi to để nấu bánh tét. Các khâu chuẩn bị để gói bánh đã được chuẩn bị kỹ càng trước đó 3-4 ngày : nào lựa nếp, lựa đậu xanh, chọn thịt, nhất là đi đốn lá vô rọc ra lau chùi sẳn, rồi đốn dây lạt phơi khô từ trước đó nữa. Khác với gói bằng lá chuối, phải phơi nhẹ cho lá heo héo, gói bằng lá dừa nước để lá càng tươi càng thơm ngon. Bắt đầu gói bánh, bàn tay bà ngoại tôi thoặn thoắt gập đôi 2 tàu lá dừa nước cho giao nhau ở điểm giữa, xong bà gập thành góc vuông và bỏ nếp, chuối, đậu ( nếu là banh chay), thịt ( nếu là bánh mặn) , bà vỗ vỗ mấy cái đã thành hình đòn bánh vừa tròn dài nhưng thật vuông vức ở 2 đầu, rồi buộc lạt cho chặt. Tôi nhớ mãi hình ảnh đôi tay khéo léo của bà vừa nhẹ nhàng vừa dứt khoát để tạo hình đòn bánh, điêu luyện như một nghệ nhân chuyên nghiệp! Nhất là khi lấy dây lạt cột bánh, lỡ sợ dây nào bị đứt , bà hay “làu bàu” một cách đáng yêu “lạt mềm mới buộc chặt” ! Cả đêm thức canh nồi bánh, sáng ra là bánh chín, ngoại vớt ra, cứ 2 đòn buộc thành một cặp treo lủng lẳng trên cây đòn tay nhà để ba ngày Tết cắt ra cho con cho cháu, còn ngoại thì có khi quên ăn mà chỉ ngồi ngắm con cháu ngon miệng… 

Đã vào tuổi “tri thiên mệnh”, mỗi mùa Xuân tới, sao tôi lại càng nhớ về tuổi thơ nơi quê nhà. Đêm Xuân này, lại thèm da diết đòn bánh tét lá dừa nước do ngoại gói năm xưa… 

Theo Hồng Liên ( Gia đình & trẻ em)

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com