Xoay xở trả lãi ngân hàng vì condotel
Bà M.O, chủ sở hữu của 4 căn hộ condotel thuộc 4 dự án, cho biết từ 2020 đến nay, chỉ có một trong số 4 chủ đầu tư trả thu nhập cam kết cho khách hàng. 3 doanh nghiệp còn lại đều gửi thư, đề xuất tạm hoãn chi trả do tác động của dịch Covid-19 lên thị trường du lịch. Tình trạng này không chỉ xảy ra với bà O mà còn với hàng nghìn chủ sở hữu condotel khác trên cả nước, không ít người phải vá víu khắp nơi để trả tiền lãi ngân hàng.
Anh T.H là chủ sở hữu một căn condotel ở Khánh Hoà. Ban đầu, chủ đầu tư đưa ra 2 phương án kinh doanh, cụ thể là chủ sở hữu có thể tự kinh doanh hoặc uỷ thác cho chủ đầu tư rồi chia tỷ lệ 90:10. Tuy nhiên sau đó, do nhiều vấn đề phát sinh, chủ đầu tư chuyển sang cam kết với nhóm uỷ thác sẽ trả thu nhập tối thiểu là 7,5%/năm. Dự án đi vào hoạt động đúng thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, chủ đầu tư đề xuất hạ mức thu nhập cam kết xuống còn 3,5%/năm.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Khánh Hòa đang chuyển mình nhằm thích ứng với tình hình mới. Ảnh: Kỳ Nam
Tình hình kinh doanh gặp khó, chủ đầu tư tiếp tục gửi thư cho các chủ sở hữu, cho biết năm 2020, công ty chỉ đủ khả năng chi trả 50% mức thu nhập cam kết cho các chủ sở hữu, 50% còn lại sẽ trả vào quý II năm nay. Tuy nhiên, mới đây, chủ đầu tư tiếp tục gửi thư cho khách hàng, thông báo với hiện tại chỉ đủ khả năng trả một nửa nợ cũ, nửa còn lại sẽ trả vào cuối năm.
Anh H kể với tình hình hiện tại của ngành du lịch, anh hiểu các doanh nghiệp đều chật vật, tuy nhiên bản thân anh cũng vay ngân hàng để đầu tư nên bây giờ rất khó khăn, như ngồi trên đống lửa. Tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả song nguồn thu từ hoạt động kinh doanh lại không có, gia đình phải xoay xở, vay mượn nhiều nơi.
Tình trạng bán cắt lỗ condotel cũng diễn ra khắp nơi. Gần 2 tháng nay, Anh L.V đăng tin bán cắt lỗ 2 căn condotel ở Đà Nẵng và Phú Quốc nhưng chưa tìm được người mua dù chấp nhận lỗ hơn 150 triệu đồng/căn. Liên hệ với anh V, anh cho biết dịch bệnh kéo dài, tiền lãi ngân hàng anh vẫn phải trả đều nhưng thu nhập từ khoản đầu tư lại không có, các chủ đầu tư cũng liên tục lỡ hẹn khiến anh rất mệt mỏi. Ghi nhận tại website Batdongsan.com, nhiều condotel đang được rao bán cắt lỗ 100 - 300 triệu đồng/căn, thậm chí có người chấp nhận bán lỗ 400 triệu đồng.
'Condotel chưa bao giờ khó như bây giờ'
Việc chi trả thu nhập cam kết trong mùa dịch là bài toán lớn của chủ đầu tư các dự án condotel. Năm 2020, đại diện Vingroup từng cho biết doanh thu từ condotel bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp phải sử dụng nhiều phương án để thực hiện đúng cam kết với chủ sở hữu trong và sau dịch. C.E.O Group cũng phải dùng tiền từ lĩnh vực kinh doanh khác để trả thu nhập cho nhà đầu tư condotel.
Báo cáo mới đây của Savills cho hay riêng thị trường Đà Nẵng trong tháng 5, công suất khách sạn giảm 44 điểm % theo năm, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, giá phòng trung bình giảm 50% theo năm. Nhận định về tình hình condotel 6 tháng cuối năm, chuyên gia Savills cho rằng với ảnh hưởng kéo dài từ 3 đợt dịch trước đến nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề cho dù tình hình dịch bệnh có được kiểm soát hiệu quả.
Theo báo Người Lao Động, tại TP Đà Nẵng, một trong những địa phương có nhiều dự án condotel nhất cả nước, một số chủ đầu tư rục rịch xin chuyển đổi condotel thành căn hộ chung cư vì phân khúc này đang rất khó khăn. Ông Phùng Phú Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho hay TP sẵn sàng cho phép chủ đầu tư nghiên cứu chuyển đổi từ condotel sang căn hộ chung cư nếu đủ điều kiện theo quy định.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nhận định chưa bao giờ bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là condotel lại khó khăn như hiện nay dù đây là loại hình có nhiều triển vọng. Chuyên gia đánh giá việc chi trả thu nhập cam kết là giọt nước tràn ly khiến các nhà đầu tư bức xúc và cũng đẩy nhiều nhà đầu tư về thế khó. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi là pháp lý condotel vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. "Thực tế, các Bộ, ngành đã đưa ra văn bản về quy chuẩn xây dựng condotel nhưng vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là khai thác, vận hành, sở hữu thì vẫn chưa thoả mãn được khúc mắc của các nhà đầu tư", GS Đặng Hừng Võ nói.
"Chúng ta nghĩ thị trường này ổn rồi vì nó đang nằm yên, không có gì mới. Nếu du lịch phục hồi, câu chuyện sẽ khác. Cocobay sẽ không còn là hiện tượng đổ vỡ duy nhất trên thị trường nếu pháp lý chưa được khơi thông", GS Võ đánh giá.
Theo Người Đồng Hành
Tags:
bất động sản
,
tiêu điểm
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com