Nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ khan hiếm nguồn cung khi các chủ đầu tư không 'mặn mà' với phân khúc có lợi nhuận thấp, chính sách ưu đãi không nhiều.
Cả nước có 3 dự án nhà ở xã hội mới được cấp phép
Báo cáo của Bộ xây dựng, trong quý 2 năm 2021, cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội với 1.766 căn được cấp phép mới tại Đà Nẵng, Thanh Hóa và Lạng Sơn. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đang có 94 dự án với 123.085 căn đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội và Thanh Hóa.
Hầu hết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại các thành phố trọng điểm được đầu tư xây dựng để bán, diện tích căn hộ từ 50-70 m2 với mức giá bán dao động dưới 20 triệu/m2.
Tại Hà Nội, một số ít dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13,5-16 triệu đồng/m2 như Nhà ở xã hội IEC Thanh Trì (có giá bán 15,8 triệu đồng/m2) Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm (có giá bán 16 triệu đồng/m2) Dự án nhà ở xã hội CT4 Kim Chung, Đông Anh (có giá bán 13,5 triệu đồng/m2)… Tại TP.HCM, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có mức giá bán bình quân từ 13-25 triệu đồng/m2.
Cả nước có 3 dự án nhà ở xã hội mới được cấp phép trong 2 quý năm 2021.
Bên cạnh các dự án nhà ở xã hội đang triển khai, những căn hộ nhà ở xã hội trước được bán đến 9 triệu đồng/m2, nhưng nay sau 5 - 10 năm sử dụng nhiều nơi rao bán tăng gấp 2 - 2,5 lần, ở mức 21 - 24 triệu đồng/m2, dự án đã sử dụng hơn 5 năm giá cũng tăng cả chục triệu đồng mỗi m2…
Như dự án nhà xã hội ở khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) chủ nhà đã sử dụng sang năm thứ 6, nay được rao bán giá 24 triệu đồng/m2, căn hộ có diện tích 69,6m2. Các dự án nhà ở xã hội trước đây đưa vào sử dụng đã đủ điều kiện mua bán đã “gia nhập” vào phân khúc nhà ở thương mại tầm trung.
Nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ không hấp dẫn được nhà đầu tư
Bộ Xây dựng chỉ đạo các địa phương cần tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ khan hiếm nguồn cung khi các chủ đầu tư không “mặn mà” với phân khúc có lợi nhuận thấp, chính sách ưu đãi không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản có dấu hiệu suy giảm từ cuối năm 2018, khi dòng vốn vào bất động sản bị thắt chặt.
Tiếp đó, trong năm 2019 - 2020 chịu tác động từ hoạt động rà soát, kiểm tra, siết chặt triển khai thủ tục pháp lý các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, dẫn đến nguồn cung sản phẩm mới ra thị trường tụt dốc thê thảm. Từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 liên tiếp bùng phát, diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản.
“Trong cơ cấu nguồn cung mới, loại hình căn hộ có mức giá bình dân tiếp tục hầu như không còn xuất hiện trên thị trường, dù nhu cầu của người dân rất lớn” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Chính sách ưu đãi không nhiều, dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ khó thu hút được nhà đầu tư.
Một chủ đầu tư dự án bất động sản cho biết, lợi nhuận từ làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ thấp, trong khi đó quy trình, trình tự các bước để triển khai dự án vẫn phải đảm bảo như một dự án bình thường.
Quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội cũng không có nhiều, nhiều địa điểm ở xa, không có hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh, khiến dự án khó bán. Những khó khăn có thể nhìn thấy ngay trong khi chính sách ưu đãi không nhiều, dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ khó thu hút được nhà đầu tư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) hiện căn hộ trung cấp 2 phòng có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25- 30 triệu đồng/m 2 ) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TP.HCM trong 2 năm qua.
“Thị trường bất động sản được cho là đang lệch pha cung cầu, khi số lượng các dự án bất động sản cao cấp chiếm áp đảo so với các phân khúc còn lại, đặc biệt là phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Cần có những giải pháp tổng thể như giải bài toán về quy hoạch, chính sách và quỹ đất, nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ sẽ là cú hích để phát triển thị trường bất động sản" - ông Lê Hoàng Châu đánh giá.
Theo VOV
Tags:
bất động sản
,
tiêu điểm
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com