Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản có những trầm lắng nhất định, nhiều phân khúc không ghi nhận nguồn cung.Các chuyên gia vẫn tin tưởng thị trường sẽ hồi phục sau đợt dịch, do nhu cầu nhà ở rất lớn và bất động sản vẫn là kênh đầu tư hàng đầu.
Giao dịch gặp khó, thị trường trầm lắng
Anh Long, một nhân viên môi giới bất động sản tại khu vực Bến Cát, Bình Dương cho biết khoảng 3 tháng nay, số lượng giao dịch do anh tư vấn giảm 80 - 90% so với các tháng trước đó. Dịch bệnh cản trở việc đi lại khiến các khách hàng khó tham quan, tìm hiểu sản phẩm dự án; các chủ đầu tư khó "tung hàng" mới khiến nguồn cung trên thị trường cũng khan hiếm hơn. Một số đất nền được khách hàng nhờ rao bán cũng chững lại dù trước đó liên tục có người săn lùng.
Báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam về thị trường TP HCM và các tỉnh giáp ranh (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) trong tháng 7 ghi nhận nhiều điểm "trầm" ở các phân khúc. Thị trường đất nền không ghi nhận nguồn cung mới được mở bán trong tháng. Đây là lần đầu tiên, TP HCM và các tỉnh giáp ranh thiếu vắng nguồn cung mới ở phân khúc đất nền, sức mua chung toàn thị trường cũng giảm đáng kể.
Thị trường biệt thự/nhà phố cũng chung tình cảnh ảm đạm tương tự. Nhiều địa phương như TP HCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu không có nguồn cung mới. Nhiều chủ đầu tư phải thay đổi kế hoạch bán hàng, lùi thời gian giới thiệu sản phẩm để phù hợp với lệnh giãn cách xã hội.
Số liệu thống kê tháng 7 của DKRA Việt Nam với thị trường biệt thự/nhà phố.
Với thị trường căn hộ, nguồn cung có sự phục hồi nhưng vẫn thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh phức tạp cùng việc áp dụng các chỉ thị giãn cách gây sức ép lên nguồn cung lẫn tỷ lệ tiêu thụ dự án mới. Trong đó, TP HCM chỉ có 2 dự án mở bán mới với 430 căn, giảm 87% cùng kỳ năm trước; sức tiêu thụ giảm 90%.
Nguồn cung và tiêu thụ căn hộ tại TP HCM. Ảnh: DKRA Việt Nam
Thị trường vẫn sẽ tích cực
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam cho rằng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Dù người mua để ở hay để đầu tư cũng bị ảnh hưởng vì nguồn thu nhập bị giảm sút, thậm chí là đứt gãy. Hiện tại, thị trường chưa có những chính sách hỗ trợ các khoản lãi phải trả cho những người đang mua bất động sản có sử dụng vay vốn ngân hàng. Ngay cả những người có tiềm lực tài chính cũng đang rất thận trọng trong việc quyết định mua bất động sản.
Mặt khác, sức mua trên thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) cũng rất trì trệ, tâm lý chung hiện nay là quan sát, chờ đợi. Chỉ một số ít người có tiềm lực mạnh về tài chính, họ có thể lựa chọn những sản phẩm dự án thuộc phân khúc phù hợp để đầu tư lâu dài. Nhưng số ít này không thể đại diện cho toàn thị trường.
Chuyên gia của DKRA nhận định bất động sản vẫn luôn là kênh đầu tư hàng đầu bên cạnh các kênh khác như chứng khoán. Giả định, dịch bệnh được kiểm soát và lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, thị trường có thể sôi động vào những tháng cuối năm. Mặc dù khó có thể sôi động như năm 2019 trở về trước, nhưng thị trường sẽ có những phục hồi tích cực so với nửa đầu năm 2021 và năm 2020.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng bày tỏ tin tưởng về sự phục hồi của thị trường sau đại dịch. Với ông Châu, những trầm lắng hiện tại chỉ mang tính nhất thời, do hoàn cảnh tác động, điều quan trọng nhất là thị trường luôn luôn có nhu cầu về nhà ở. Do đó, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường vẫn phát triển tốt, không có "bong bóng" như giai đoạn 2007 - 2010 bởi các chính sách thuế, tài khóa, quy hoạch... đều được kiểm soát tốt.
Chủ tịch HoREA khẳng định điều quan trọng hiện tại là các quy định pháp luật về đất đai, về quá trình phê duyệt dự án cũng như công nhận chủ đầu tư... cần được hoàn thiện, đảm bảo công bằng, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển lành mạnh. Ông bày tỏ kỳ vọng sắp tới đây, các quy định gây bất cập, vướng mắc ở Luật Nhà ở 2014 gây cản trở cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sẽ được sửa đổi, góp phần tạo động lực phát triển mới cho thị trường.
Theo Người Đồng Hành
Tags:
bất động sản
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com