Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thuỷ sản Việt

Ngày 31/3/2023, tại TP. Vũng Tàu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) phối hợp tổ chức Hội thảo “ Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thuỷ sản Việt” với sự tham dự của 20 đại biểu đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Vụ Châu Âu – Châu Mỹ Bộ Công thương, Cục Thuỷ sản, VASEP, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Sở NN&PTNT, Chi cục Thuỷ sản các tỉnh, thành nuôi trồng chế biến thủy sản, các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thuỷ sản toàn quốc.


Tại hội thảo, nhiều tham luận, thảo luận, góp ý của các cơ quan hữu quan, chuyên gia, doanh nghiệp, ngư dân đánh bắt và nuôi trồng nhằm gỡ khó, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đã được trình bày.

Trong 10 năm trở lại đây, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất và xuất khẩu thủy sản đã tăng liên tục tăng mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thủy sản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để chủ động về giá cả, giảm thiểu chi phí và tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần xây dựng và quản trị chuỗi cung ứng hiệu quả.


Tham luận của các nhà quản lý, các doanh nghiệp địa phương đã được trình bày một cách chân thực nhất. Với tham luận Mô hình xúc tiến thương mại và làm thương hiệu cho Cua Cà Mau, ông Hồ Văn Việt, Trưởng phòng quản lý nuôi trồng, Chi cục thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết: “Với người dân vùng rừng đước Cà Mau thì Cua được xem là một niềm tự hào, vì cua Cà Mau từ lâu đã trở thanh thương hiệu nổi tiếng gần xa. Cua Cà Mau sở dĩ thơm ngon vì được sống từ nguồn nước biển theo thủy triều thông suốt ngày hai lần vào các nhánh sông rạch, độ mặn cao và sạch. Thức ăn cho cua ở vùng này dồi dào hơn các tỉnh thành khác trên cả nước. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng tích cực trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu cho loại đặc sản này.

Cuối tháng 12/2022, UBND tỉnh Cà Mau vừa tổ chức "Ngày hội cua Cà Mau, trong đó, có cuộc thi "Cua Cà Mau lớn nhất" - Cua Sumo (Sumo Crab), giúp người tiêu dùng có dịp chứng kiến những con cua khủng có trọng lượng từ một kg. Điều này khẳng định, Cua Việt không chỉ chất lượng mà có trọng lượng không thua kém gì các sản phẩm của thế giới như King Crab hay cua Canada…”

Ông Vũ Đức Trí, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Thủy sản Việt Úc cũng cho biết qua tham luận Khép kín chuỗi giá trị để nâng tầm thương hiệu cho con Tôm Việt :“Hiện nay 2 mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản nước ta vẫn là tôm và cá tra. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2023, tình hình nuôi trồng và khai thác thủy sản có nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, sản lượng thủy sản tháng 2/2023 ước đạt 593,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: tôm đạt 62,8 nghìn tấn, tăng 0,5%.

Ngành tôm đang trong giai đoạn chuyển đổi theo hướng nâng cao chất lượng, thiết kế theo các mô hình chuỗi liên kết, và đặc biệt chú trọng đến chất lượng con giống để hạn chế dịch bệnh. Tuy nhiên, để con tôm Việt vươn cao, vươn xa hơn nữa trên thị trường thế giới thì đòi hỏi các doanh nghiêp phải chú trọng xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết.

Ông Nguyễn Quý Trọng Bình, giám đốc hợp tác xã thủy sản Như Ý Long Sơn trình bày tham luận HTX thủy sản Như ý Long Sơn với mô hình nuôi trồng kết hợp dịch vụ - du lịch, cho biết Xã đảo Long Sơn TP. Vũng Tàu được mệnh danh là vương quốc “hàu” nơi đây có khoảng hơn 30 cơ sở nuôi với hơn 13.500 lổng nuôi các loài thủy hải sản có giá trị kính tế cao. Ngoài việc, tiêu thụ nguồn hải sản được nuôi trồng, Long Sơn còn phát triển mạnh mô hình kinh doanh dịch vụ kết hợp tham quan, du lịch.

Ông Asbjon Warvik Rortveit – Giám đốc khu vực Đông nam Á của Hội đồng thuỷ sản Na Uy trình bày tham luận với chủ đề: Hiệu quả của việc phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản nuôi trồng Na Uy “ Hiện nay Na Uy là quốc gia xuất khẩu thuỷ sản đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Có một đặc điển mà chúng ta cần lưu ý là: Mặc dù Việt Nam xuất khẩu về sản lượng gấp 3 lần Na Uy (9 triệu tấn so với 2,9 triệu tấn). Thế nhưng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 2/3 Na Uy (11 tỷ USD so với 15 tỷ USD). Câu chuyện rút ra ở đây là bài học về xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản”.


Hội thảo nghe 5 tham luận từ các mô hình thực tế của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Doanh nghiệp tiêu biểu, mô hình làm thương hiệu của địa phương, hợp tác xã thủy sản... Đặc biệt là phần thảo luận rất sôi nổi với nhiều quan điểm, ý kiến xác đáng cùng những giải pháp được nêu rất có giá trị giúp tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng để ngành nuôi trồng thuỷ sản cất cánh…

BTV
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com