Trợ cấp hằng tháng cho người không có lương hưu

Đây là đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Điều kiện hưởng loại trợ cấp này là người từ 60 tuổi trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (lộ trình nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi năm 2035), đóng BHXH dưới 15 năm mà không có lương hưu. Theo dự thảo, người từ 60 đến dưới 80 tuổi, chưa đóng đủ 15 năm BHXH, nếu có nguyện vọng thì được nhận trợ cấp hưu trí hằng tháng.

Nhóm này được cấp BHYT miễn phí, hỗ trợ phí mai táng 10 triệu đồng/người khi qua đời. Mức trợ cấp được Chính phủ điều chỉnh dựa trên chỉ số giá tiêu dùng, tình hình kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách. Mức hưởng cho nhóm này tùy vào thời gian tham gia và tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong quá trình hưởng, nếu người lao động qua đời thì thân nhân được nhận một lần số tiền người đó chưa hưởng hết, cùng 10 triệu đồng trợ cấp mai táng. Người từ 80 tuổi trở lên, không đóng BHXH và không có lương hưu, ngân sách nhà nước chi trợ cấp xã hội 500.000 đồng/tháng. Tuổi được hưởng trợ cấp có thể thấp hơn, mức hưởng cao hơn và được đề xuất giao cho Chính phủ quy định theo từng thời kỳ tùy vào ngân sách.
Người lao động làm thủ tục nhận chế độ tại BHXH TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cả nước có khoảng 5 triệu người cao tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu, 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng. Khoảng 9,6 triệu người trên 60 tuổi không nhận được bất kỳ khoản lương hưu nào và dự báo tăng lên 13 triệu vào năm 2030.

Theo Người Lao động
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com