Cơ quan công an đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới thông qua chiêu trò định danh cá nhân (KYC) để chiếm đoạt ví điện tử, tài khoản ngân hàng...
Trong thời gian qua, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn biến phức tạp, gây ra hậu quả lớn cho người dân. Đặc biệt các đối tượng xấu lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thực hiện các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng bằng công nghệ cao khiến nhiều người không thể tiếp cận. Trong số đó, các chiêu trò lừa đảo, nhằm mục đích xấu liên quan đến tài khoản ngân hàng, ví điện tử... ngày càng diễn ra phổ biến.
Tài khoản ngân hàng, ví điện tử... là môi trường lừa đảo béo bở được các đối tượng xấu nhắm đến nhằm thực hiện các hành vi chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh họa.
Lừa đảo chiếm đoạt dữ liệu khuôn mặt
Mới đây, Công an TPHCM đã đưa ra cảnh báo về hình thức lừa đảo mới liên quan đến những lĩnh vực này thông qua chiêu trò định danh cá nhân (KYC).
Theo đó, Công an TPHCM cho biết, hiện nay người dân có thể thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử bằng hình thức online. Khi thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử online sẽ có một bước gọi là KYC để kích hoạt tài khoản. Phần mềm thực hiện định danh cá nhân bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, yêu cầu người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống.
Thủ đoạn của đối tượng là giả dạng cán bộ cơ quan chức năng (cán bộ công an, cơ quan thuế...) hoặc người thân, quen của nạn nhân (đối tượng sử dụng công nghệ deepfake để giả dạng hình ảnh và giọng nói) thực hiện video call với nạn nhân để tạo sự tin tưởng. Trong lúc video call, bằng nhiều thủ đoạn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân thực hiện nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải... Từ đó đối tượng sẽ ghi lại video và dùng nó để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử với đứng tên nạn nhân.
Sau khi chiếm đoạt được quyền sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử... các đối tượng xấu có thể sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác. Lúc này, nạn nhân khó có thể chứng minh sự vô can của mình do đã thực hiện bước định danh cá nhân (KYC).
Công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi video yêu cầu thực hiện các “hành động lạ” như nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra, sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó, tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân nhanh chóng trình báo cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.
Cũng là thủ đoạn giả danh cán bộ của các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án...) tuy nhiên tội phạm lừa đảo giờ đây tinh vi hơn bằng việc sử dụng công nghệ cao. Ảnh minh họa.
Vì sao người dân vẫn dễ sập bẫy?
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung xuất hiện nhiều vụ lừa đảo qua mạng Internet, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cắt ghép hình ảnh, video, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, các trường hợp bị chiếm đoạt tài sản bằng hình thức sử dụng công nghệ Deepfake diễn biến phức tạp hơn.
Deepfake là cụm từ được kết hợp từ "deep learning" và "fake", là phương thức sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh (giọng nói), hình ảnh (khuôn mặt), thậm chí tạo ra video với mục đích giả giọng nói, khuôn mặt người quen của nạn nhân trên mạng xã hội... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người dân sập bẫy.
Về vấn đề này, cơ quan công an cho biết, nguyên nhân người dân vẫn dễ sập bẫy lừa đảo do các nạn nhân không thường xuyên cập nhật tin tức tuyên truyền của cơ quan chức năng, không nhận diện đúng, đầy đủ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao như Deepfake,... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một bộ phận người dân còn có tâm lý chủ quan, không cẩn thận xác minh bằng cách gọi số điện thoại của người thân theo cách thông thường, sau khi nhận tin nhắn hỏi vay mượn tiền, chuyển khoản qua các nền tảng mạng xã hội; kể cả khi thấy số tài khoản nhận chuyển khoản không đúng tên người thân của mình.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào các nạn nhân là người lớn tuổi, có ít kiến thức về công nghệ và khó phân biệt được giữa video thật và video giả; những người có ít kiến thức về công nghệ, không cập nhật tin tức về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, không quan tâm đến các vấn đề bảo mật... Từ đó dễ trở thành đối tượng bị đánh cắp thông tin và bị lừa đảo bởi các chiêu trò công nghệ cao như Deepfake.
Những người đang trong tâm trạng tâm lý yếu (stress, lo lắng...) cũng dễ sập bẫy lừa bằng các thông tin giả mạo. Đặc biệt, người có tài sản lớn, vị trí xã hội cao, kinh doanh, văn hóa... cũng bị các đối tượng chú ý và có khả năng sập bẫy lừa đảo cao.
Theo Tổ Quốc
Tags:
khám phá
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com