Tết Thanh minh trong phong tục người Việt

Tuy không phải là Tết lớn nhưng Tết Thanh minh gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam, là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn.

Tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. (Ảnh minh hoạ)

Thanh minh là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hằng năm.

Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh minh.

Tết Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh, kéo dài khoảng 15 - 16 ngày. Tết Thanh minh 2023 nhằm vào thứ Tư ngày 5/4 Dương lịch (tức ngày 15/2 Âm lịch), sau khi kết thúc tiết Xuân phân và kéo dài đến ngày 20/4.

Theo báo điện tử VTC.VN, đối với người dân Việt, Tiết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, cội nguồn. Dù ai đi đâu, ở đâu đến Tết Thanh minh hằng năm cũng cố gắng về với gia đình để tảo mộ, sum họp bên mâm cơm gia đình. Những ngôi mộ được người nhà dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất.

Trong ngày này ngoài việc tảo mộ, tục cúng hay chuẩn bị mâm cúng cũng là một phần quan trọng được nhiều gia đình người Việt coi trọng. Những mâm cỗ cúng giản dị nhưng ấm áp với các lễ cúng cổ truyền sẽ được người trong gia đình chuẩn bị. Tùy theo phong tục và địa phương, dân tộc, mâm cúng chuẩn bị sẽ khác nhau để mời cơm ông bà tổ tiên.

Ngoài tục lệ trên, người Việt Nam còn có tục lệ làm bánh trôi, bánh chay thắp hương, sau đó cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức hương vị đậm đà của món bánh này.

Về những lưu ý trong Tết Thanh minh, theo báo Giáo dục và Thời đại, trước khi ra mộ, bạn cần phải bày cỗ, thắp hương xin phép gia tiên trước khi đi tảo mộ.

Khi đi tảo mộ, dù bạn có phải xách nặng đến thế nào cũng đừng thuê người xách, mà hãy để con cháu trong nhà xách.

Khi làm lễ nên là người con trưởng, cháu đích tôn, hoặc là người kế thừa việc thờ tục trong dòng họ. Thắp hương ở nơi thờ thổ công, thổ địa ở nơi chôn cất trước khi thắp hương ở mộ. Sau khi làm lễ xong mới tiến hành dọn dẹp xung quanh mộ. Dọn dẹp chỉ nên dọn dẹp cỏ, trồng hoa, lau chùi... Còn với những ngôi mộ chưa xây thì thêm việc đắp đất, nhổ cỏ chỉ nên làm ở bề mặt trên, không nên giựt mạnh, đào bới gây sạt lở mộ.

Đốt vàng mã nên đốt đúng nơi quy định, không đốt quá gần mộ gây ảnh hưởng tới âm khí của mộ.

Theo báo Dân Sinh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com