5 năm thực hiện dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”: Bảo đảm an toàn trên đường đến trường cho trẻ em Việt Nam

“Giảm tốc độ - Trường học an toàn”: Bảo đảm an toàn trên đường đến trường cho trẻ em Việt Nam
Ngày 30/10, Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (Quỹ AIP) phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai tổ chức kỷ niệm năm năm thực hiện dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”. Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Ủy ban Nhân dân Thành phố Pleiku cùng tham gia buổi lễ.


Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” do Quỹ Botnar, Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu và Quỹ Liên đoàn Ô tô Quốc tế tài trợ hướng tới cải thiện sự an toàn của học sinh trên đường tới trường. Được triển khai từ năm 2018, sau năm năm thực hiện, dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” đã mang đến lợi ích trực tiếp cho 130.492 người và 16.189.096 người hưởng lợi gián tiếp.


Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” khuyến khích các em học sinh và gia đình sử dụng phương tiện giao thông bền vững, hướng tới phát triển thành phố xanh, sạch, lành mạnh. Dự án cũng thúc đẩy các hình thức giao thông an toàn và bền vững nhằm hưởng ứng nội dung của chương trình nghị sự toàn cầu của Mục tiêu phát triển bền vững và Suy nghĩ lại về phương thức di chuyển. Điểm quan trọng là các mô hình được thực hiện ở thành phố Pleiku có thể được nhân rộng trên cả nước cũng như toàn cầu nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên thế giới.

“Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” đạt được sự công nhận toàn cầu khi giải quyết các thách thức về an toàn giao thông đường bộ tại thành phố Pleiku và thúc đẩy các biện pháp can thiệp thực tế và sáng tạo dựa trên các bằng chứng thông qua cải tạo an toàn khu vực trường học. Đồng thời, khuyến khích giao thông bền vững và ủng hộ sự đóng góp đầy ý nghĩa của thanh thiếu niên” – Ông Kim Beng Lua, cán bộ cấp cao của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu chia sẻ.



Từ việc thí điểm cải tạo tại hai trường học ở thành phố Pleiku ban đầu, dự án đã mở rộng quy mô cải tạo cho 31 trường tiểu học trên địa bàn thành phố, trong đó 71% số trường được chứng nhận 5 sao theo công cụ Đánh giá xếp hạng sao trường học do Chương trình đánh giá Đường bộ Quốc tế (iRAP) phát triển. Từ kết quả của dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã ban hành văn bản quy định về tốc độ khi đi qua khu vực trường học là 30km/h đối với đường trong thành phố và 40km/h đối với đường quốc lộ, đồng thời chỉ đạo thành phố Pleiku phân bổ nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho cải tạo đường trong khu vực trường học.

Văn bản pháp lý này là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng khu vực trường học an toàn tại Việt Nam cũng như thể hiện cam kết ngày càng cao của chính phủ trong việc bảo vệ trẻ em trên đường đến trường, đồng thời tạo tiền đề để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu cho khu vực trường học an toàn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã lên kế hoạch cải tạo 56 trường học trên các tuyến đường tỉnh lộ và hiện đã hoàn thành cải tạo khu vực trường học của 12 trường.


Các hoạt động ở thành phố Pleiku đã tạo nên một mô hình có thể được nhân rộng trên cả nước và toàn cầu. Các công cụ thu thập dữ liệu dựa trên các bằng chứng như Đánh giá Xếp hạng sao trường học do iRAP phát triển được sử dụng để nâng cao năng lực tại địa phương, qua đó thúc đẩy hợp tác công – tư, trong các hoạt động nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực đầu tư vào an toàn giao thông đường bộ của các chính phủ.

Phương pháp tiếp cận toàn diện của dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho thanh thiếu niên tại Việt Nam trên hành trình đến trường và xây dựng tương lai của chính mình. Tiếp nối các thành công của dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn”, Quỹ AIP và các đối tác chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực nhân rộng mô hình khu trường học an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Kết quả của dự án địa phương với sự công nhận của quốc tế

Dự án “Giảm tốc độ - Trường học an toàn” đã có được những tác động ở cấp quốc gia và quốc tế,

cụ thể là:

● Ủy ban Nhân dân thành phố Pleiku ban hành văn bản thông qua định nghĩa khu vực trường học đầu tiên. Định nghĩa này được áp dụng cho các trường học mới và các trường hiện đang được cải tạo trong thành phố để mang đến sự an toàn hơn cho học sinh khi đến trường và tan học.

● Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt Tài liệu điện tử về an toàn giao thông đầu tiên làm tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy tích hợp và các hoạt động về giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trong các cơ sở giáo dục tiểu học trên toàn quốc.

● Hai giải thưởng quốc tế được trao cho các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương:

Giải thưởng An toàn Giao thông Đường bộ Quốc tế Prince Michael 2020 vì những đóng góp to lớn trong việc nâng cao an toàn giao thông đường bộ trên toàn thế giới; và Giảithưởng quốc tế Tầm nhìn Không thương vong cho thanh thiếu niên 2022 cho các ứng dụng an toàn giao thông đường bộ nổi bật. Giải thưởng này truyền cảm hứng cho các thành phố khác thực hiện các hành động mạnh mẽ để đạt được Tầm nhìn Không thương vong vì giao thông cho trẻ em và thanh thiếu niên tại địa phương của họ.


Chương trình Những thách thức về an toàn giao thông đường bộ đối với trẻ em của Quỹ Botnar được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề an toàn đường bộ tại địa phương có ảnh hưởng đến trẻ em ở các thành phố vừa và nhỏ thuộc bảy quốc gia ưu tiên thông qua các biện pháp can thiệp thực tế, sáng tạo, đa ngành và dựa trên bằng chứng. Chương trình này do Hiệp hội An toàn Đường bộ Toàn cầu thuộc Liên đoàn quốc tế các hiệp hội Chữ thập đỏ & Trăng lưỡi liềm đỏ có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ quản lý.

Kinh Lân 
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com