Từng một thời là dòng điện thoại được cả thế giới ưa chuộng, Blackberry tàn lụi sau khi iPhone ra đời. Nhưng có phải màn hình cảm ứng của Apple là thứ giết chết bàn phím vật lý?
Hơn một thập kỷ trước, không có biểu tượng địa vị nào lớn hơn BlackBerry. Lady Gaga dùng điện thoại này để viết tweet. Madonna ngủ với một chiếc dưới gối. Kim Kardashian thậm chí sở hữu đến ba thiết bị cùng lúc.
Khi bước vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama phải đấu tranh quyết liệt để giữ lại chiếc BlackBerry bên mình. Khi Naomi Campbell mất bình tĩnh với người quản gia vào năm 2006, cô đã chọn đồ vật nào trong nhà để làm vũ khí? Vẫn là BlackBerry.
Nói một cách không hề cường điệu, chiếc điện thoại này xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống.
BlackBerry đã không còn được bán trên các kệ hàng trong nhiều năm qua và mọi thiết bị còn lại đều đã bị khai tử vào tháng 1 năm ngoái khi công ty sản xuất ngừng hỗ trợ.
Đó là kết thúc buồn cho một thiết bị đã thay đổi thế giới, một mẫu điện thoại không chỉ phổ biến trong các phòng họp và văn phòng mà còn là một món phụ kiện thời thượng.
“Dâu đen” - biểu tượng smartphone một thời
BlackBerry ra mắt thiết bị đầu tiên vào năm 1999 có email và nhắn tin hai chiều, với bàn phím và màn hình đơn sắc cơ bản. Đến năm 2002, cuộc gọi, tin nhắn và duyệt internet - những tính năng mà điện thoại sở hữu trở nên phổ biến trong giới kinh doanh.
Nhưng sự ra mắt mang tính cách mạng phải nói đến BlackBerry Messenger vào năm 2005, thứ đã giúp dòng điện thoại này chiếm lĩnh thị trường, với tính năng nhắn tin được mã hóa kiểu WhatsApp mà ngày nay ai trong số chúng ta cũng đều sử dụng.
BlackBerry cực kỳ gây nghiện. Một chiếc BlackBerry không chỉ dễ cầm trên tay mà còn có đèn thông báo nhấp nháy liên tục, thứ nhắc nhở người dùng về thế giới kỹ thuật số mà họ đang bỏ lỡ.
Chứng nghiện gõ phím trên đường đi khi ấy còn được gọi là "CrackBerry" trong Từ điển Webster năm 2006. Đó là chiếc điện thoại được hàng triệu người lựa chọn, được những người nổi tiếng và cả những lãnh đạo chính trị ưa chuộng.
Vào thời kỳ đỉnh cao, BlackBerry kiểm soát gần một nửa thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.
Nhưng năm 2007, với sự ra đời của iPhone - thế giới điện thoại chứng kiến một sự đảo lộn hoàn toàn.
Steve Jobs đã cười nhạo sự phụ thuộc của BlackBerry vào bàn phím trong buổi ra mắt hoành tráng, khi những người quan sát ngất ngây trước màn hình cảm ứng đa điểm cỡ lớn trên tay ông.
Đối với nhiều nhà phân tích, sự kiện đó đánh dấu sự khởi đầu cho ngày tháng tàn lụi của BlackBerry.
Đối với đạo diễn Matt Johnson, người sắp cho ra mắt bộ phim về Blackberry gần đây: Không hẳn iPhone đã giết chết BlackBerry, nguyên nhân khiến dòng điện thoại này sụp đổ đến từ chính những người tạo ra nó.
Người ta chứng kiến công ty vội vàng chắp vá mọi tính năng để tạo nên một đối thủ cạnh tranh với iPhone, cố chấp kết hợp màn hình cảm ứng với trải nghiệm nhấn thỏa mãn của bàn phím vật lý.
“Đó là bàn phím đặt trên màn hình và màn hình đó đặt trên một bàn phím” – đây là hướng đi mà giới lãnh đạo truyền đạt với các kỹ sư của họ, một thứ thiếu thuyết phục đến tồi tệ.
Kết quả, BlackBerry Storm ra mắt năm 2008, là một thảm họa.
Một loạt vấn đề với màn hình cảm ứng cùng hệ thống nhấn lực đã khiến Verizon phải thay thế một triệu thiết bị đã bán và tuyên bố lỗ 500 triệu USD.
Nó khiến công ty Canada rơi vào thế khó và khiến các giám đốc điều hành của công ty phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng danh tính khi xu hướng Apple tạo ra ngày càng phát triển mạnh mẽ.
BlackBerry vẫn có những người dùng trung thành, trong đó có cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người vui vẻ sử dụng thiết bị trong nhiều năm sau đó. Công ty thậm chí còn chào đón Nữ hoàng Elizabeth II đến thăm trụ sở chính vào năm 2010.
Nhưng vào thời điểm ấy, rõ ràng là phương hướng của công ty đã trở nên lộn xộn, và đại chúng cũng như các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại đang hướng mắt về phía iPhone.
Giàn giáo sụp đổ
Đạo diễn Johnson coi sự sụp đổ của BlackBerry là câu chuyện mang tính cảnh báo và đầy bi thảm.
“Họ dựng lên giàn giáo cho một cuộc cách mạng nhưng không nhận ra nó sắp đổ sập xuống mình”, ông nói.
“Không phải iPhone là một sản phẩm tốt hơn”, Johnson nói. "Nó liên quan nhiều đến tầm nhìn của một công ty”.
"Mọi người nói rằng họ là một phần của hệ sinh thái Apple – điều cho thấy thương hiệu có ý nghĩa nhiều hơn là sản phẩm. Blackberry không làm điều đó và không quan tâm đến điều đó”.
"Cuối cùng, những kỹ sư thuở đầu vỡ mộng và xa lánh thứ họ đã tạo ra, tôi không nghĩ họ còn tin rằng bản thân là người tạo ra nó”, Johnson đánh giá.
BlackBerry tiếp tục phát triển các thiết bị màn hình cảm ứng kiểu iPhone, nhưng nhận ra công ty đang phải bơi ngược dòng khó khăn hơn do sự phổ biến của Android.
Vào năm 2016, công ty từ bỏ sản xuất điện thoại, chuyển sang kinh doanh phần mềm bảo mật, cấp phép tên BlackBerry cho các nhà sản xuất khác.
Thành công cuối cùng là BlackBerry KEY2 LE ra mắt năm 2018, đến từ TCL của Trung Quốc, một thiết bị được lắp ráp vụng về cho nhiều mục đích sử dụng, với bàn phím đặt dưới màn hình cảm ứng.
Nó khác xa với tầm nhìn “nhắn tin, cuộc gọi, email” ban đầu của công ty đối với một chiếc điện thoại, thứ mà Johnson cho rằng có thể mang lại lợi nhuận đáng kể.
Những chiếc "điện thoại cục gạch" theo hướng hoài cổ của Nokia đã chứng kiến sự hồi sinh khi người dùng tìm cách cai nghiện mạng xã hội, trong khi những sản phẩm mới như Light Phone tự hào khoe rằng không có tính năng gì ngoài tin nhắn và cuộc gọi.
“Tôi nghĩ nếu BlackBerry quay trở lại triết lý đó, họ có thể đã đạt được thành công”, đạo diễn nói.
Điều chắc chắn là không công ty nào được phép ngủ quên trên chiến thắng trong bối cảnh Thung lũng Silicon liên tục xáo trộn. Điện thoại thông minh hiện đại đang thiếu sự đổi mới, như BlackBerry và iPhone đều đã chứng minh, tương lai có thể thay đổi bất cứ điều gì.
Theo Nhịp sống Thị trường
Tags:
công nghệ
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com