Một nghiên cứu thực hiện ở 7 nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy 72% thực phẩm đóng gói bán cho trẻ em dưới 3 tuổi có hàm lượng đường và muối cao, thông tin ghi nhãn có khả năng gây hiểu lầm.
Cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 1.600 loại ngũ cốc trẻ sơ sinh, thực phẩm xay nhuyễn, thực phẩm dạng túi, đồ ăn nhẹ và đồ ăn liền được bán cho trẻ nhỏ ở Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu cũng đánh giá hành vi của người tiêu dùng và các quy định hiện hành ở bảy quốc gia.
Kết quả cho thấy gần một nửa số sản phẩm được nghiên cứu có chứa đường bổ sung và chất tạo ngọt. Con số này tăng lên 72% ở các đồ ăn nhẹ. Hơn 1/3 các sản phẩm được nghiên cứu chứa nhiều muối hơn mức khuyến nghị.
Hơn nữa, gần 90% nhãn trên các sản phẩm được nghiên cứu đưa ra các thông tin có khả năng gây hiểu lầm hoặc không chính xác về thành phần của sản phẩm.
Ảnh minh họa
Các sản phẩm thường được quảng cáo giàu dinh dưỡng, có trái cây, hoàn toàn tự nhiên, nhiều vitamin, tốt cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Đặc biệt, những thực phẩm bao gói sẵn cho trẻ nhỏ hiện đang là lựa chọn của nhiều cha mẹ vì nhanh chóng và tiện lợi.
Đặc biệt, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam, cho biết tại Việt Nam, nhiều loại thực phẩm bổ sung được sản xuất thương mại (CPCF) trên thị trường không đạt tiêu chuẩn về giá trị dinh dưỡng và việc ghi nhãn của các sản phẩm có thể gây hiểu lầm cho cha mẹ.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khoảng 3/4 các bà mẹ tham gia khảo sát tại Việt Nam nói rằng họ cho con ăn CPCF ít nhất một lần mỗi ngày. Phần lớn các bà mẹ này đã mua CPCF từ các siêu thị (48%) hoặc cửa hàng cho trẻ em (33%).
Bà Debora Comini, Giám đốc UNICEF Khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhấn mạnh chế độ dinh dưỡng tốt trong những năm đầu đời giúp trẻ em phát triển, thúc đẩy gia đình thịnh vượng, lực lượng lao động có năng suất cao và nền kinh tế hùng mạnh.
Về mặt quy định, nghiên cứu lưu ý rằng, không có quốc gia nào trong số 7 quốc gia này có chính sách quốc gia về thành phần và ghi nhãn cho thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại tuân theo tất cả các hướng dẫn quốc tế.
Nghiên cứu còn cho thấy một số quốc gia không có biện pháp pháp lý để điều chỉnh hàm lượng đường hoặc muối trong thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại.
Các quốc gia có ngưỡng đường hoặc muối tối đa thường chỉ áp dụng các biện pháp pháp lý cho một số loại nhất định, chẳng hạn như ngũ cốc hoặc thực phẩm ăn nhẹ và ngưỡng cao hơn tiêu chuẩn quốc tế.
Trẻ ăn các thức ăn có đường sớm có thể dẫn đến sâu răng, tăng cân và thói quen ăn uống không tốt, hàm lượng natri cao có thể dẫn đến huyết áp cao và tác động có thể kéo dài suốt đời.
Vì vậy Unicef và các đối tác Commit kêu gọi: "Cải thiện các quy định của chính phủ đối với thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại, bao gồm cấm sử dụng đường và chất tạo ngọt bổ sung, hạn chế hàm lượng đường và muối, cấm tiếp thị và ghi nhãn gây hiểu lầm.
Chính phủ giám sát chặt chẽ và thực thi các quy định quốc gia về thực phẩm bổ sung sản xuất thương mại.
Hỗ trợ cha mẹ trong việc cung cấp các thực phẩm bổ dưỡng đa dạng cho con em mình và điều chỉnh các hoạt động tiếp thị và ghi nhãn không chính xác".
Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo
Tags:
sức khỏe
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com