Là loại rau mọc dại nhiều ở các ven sông nhưng ít người biết đến các tác dụng của rau ngổ đối với sức khỏe.
Rau ngổ là loại rau gia vị quen thuộc đối với người Việt. Tuy nhiên hỏi đến tác dụng của rau ngổ đối với sức khỏe thì không phải ai cũng biết. Dưới đây là những tác dụng của cây rau ngổ với sức khỏe.
Đặc điểm của cây rau ngổ
Rau ngổ còn gọi là rau ngổ thơm, rau ngổ trâu, cúc nước. Tên khoa học Enydra fluctuans Lour. (Hingtsha repens Roxb. Tetractis paludosa Blume). Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Cây sống nổi hay ngập nước, dài hàng mét, thân hình trụ nhẵn, phân cành nhiều, có mắt. Lá mọc đối, không cuống, phía dưới ôm vào thân, mép có răng cưa, dài 5cm, rộng 6-10mm.
Trong rau ngổ chứa nhiều thành phần hóa học khác nhau: 93% nước, 2,1% protid cùng các loại vitamin B, C, tinh dầu thơm và caroten. Đây là một loại cây gia vị, hay dùng ăn sống.
Ngoài ra, rau ngổ còn được xem là một vị thuốc vì nó có nhiều hoạt chất tốt cho sức khỏe. Bộ phận thường được dùng của cây là lá non.
Rau ngổ rất tốt cho sức khỏe
Tác dụng của cây rau ngổ với sức khỏe
Bài viết trên webiste Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, các hợp chất phân lập cùng chiết xuất thô của rau ngổ có hoạt tính dược lý chống lại sự bảo vệ của tế bào, kháng viêm, giảm đau, kháng khuẩn, tẩy giun sán, chống tiêu chảy.
Không những thế, trong rau ngổ còn có tinh dầu, flavonoid, isoflavone glycosid, steroid,… có khả năng đem lại nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe như:
- Giải độc và thanh nhiệt.
- Sát trùng đường tiêu hóa.
- Phòng ngừa và chống lão hóa.
- Lợi tiểu.
- Phòng ngừa ung thư.
- Hỗ trợ điều trị viêm kết mạc, sỏi thận, đau thắt bụng, gan nhiễm mỡ, thủy đậu,
- Giảm cơn sốt nóng.
Liều dùng và các bài thuốc từ rau ngổ
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi cho biết, nhân dân ta thường hái lá non rau ngổ ăn sống, làm gia vị.
Làm thuốc, người ta dùng rau ngổ chữa những trường hợp ăn uống không tiêu, đầy tức bụng, thổ huyết, băng huyết.
Dùng ngoài giã nát đắp lên những nơi viêm tấy.
Ngày dùng từ 12 đến 20g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời Lương y Hoàng Duy Tân, một số kinh nghiệm trị bệnh bằng rau ngổ như sau:
Trị sỏi thận: Rau ngổ có tác dụng lợi tiểu, giảm co thắt cơ trơn, giãn mạch máu, tăng lọc ở cầu thận; do đó làm tăng lượng nước tiểu, tạo điều kiện cho sỏi thận bị tống ra ngoài.
Cách dùng: Lấy rau ngổ 50g, để tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, pha thêm ít muối, uống làm một lần, ngày hai lần. Dùng 5 - 7 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với râu ngô, mã đề, cối xay. Kiên trì thực hiện bài thuốc này có kết quả khá tốt.
Hoặc dùng rau ngổ giã nhỏ, lấy nước pha ít hạt muối, uống ngày 2 lần vào sáng và chiều (uống liền trong 7 ngày).
Hoặc dùng 50 - 100g rau ngổ tươi xay làm sinh tố uống mỗi ngày (uống trong 15 - 30 ngày) hoặc nấu với 2 chén nước, sôi 20 phút để uống.
Trị sỏi mật, sỏi thận (sỏi bùn, đá): 100g rau ngổ tươi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt, thêm 1 muỗng canh mật ong uống vào buổi sáng lúc đói, liên tục 10 - 15 ngày.
Trị đái dầm: Rau ngổ 20g, mùi tàu 20g, cỏ mần trầu 20g, cỏ sữa lá nhỏ 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống sau bữa ăn chiều. Dùng 3 - 4 lần.
Trị đái ra máu: Rau ngổ 10g, cỏ tháp bút 10g, rễ cỏ tranh 10g, thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu, sao vàng rồi sắc uống làm hai lần trong ngày.
Trị ban đỏ: Rau ngổ 20g, dây vác tía 20g, măng sậy 10g, đọt tre mỡ 10g, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống trong ngày.
Trị cảm ho: Dùng khoảng 20g cây tươi, sắc uống.
Trị ho, sổ mũi: 15 - 30g rau ngổ tươi, rửa sạch, sắc kỹ lấy nước uống hằng ngày.
Trị đầy hơi, tức bụng, ăn không tiêu: Lấy rau ngổ tươi rửa sạch, mộc hương nam (mua ở các hiệu thuốc nam). Sắc 2 thứ trên với 1.000ml nước còn 250ml thì chia làm 2 lần, uống hết trong ngày.
Theo VTC News
Tags:
sức khỏe
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com