Các trường học được quyền tự chọn sách giáo khoa từ 12/2/2024

Theo Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, từ 12/2, các trường được trao quyền chọn sách giáo khoa.

Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục sẽ do hiệu trưởng (hoặc người đứng đầu) thành lập. Hội đồng này gồm các thành phần: người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên và đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu 5 người.

Mỗi cơ sở giáo dục có 1 hội đồng. Đối với cơ sở giáo dục có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.

Đặc biệt, Thông tư 27 quy định rõ, người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa không được tham gia hội đồng. Tứ thân phụ mẫu và anh chị em ruột thịt hai bên vợ/chồng của người làm sách giáo khoa cũng không được phép có mặt trong hội đồng này.

Tương tự, người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được phép liên quan tới hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục.


Về quy trình lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục, theo Điều 7 Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng. Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tại tổ chuyên môn sẽ căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu trước khi thực hiện; Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó…

Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 1 sách giáo khoa cho môn học đó. Trường hợp môn học chỉ có 1 sách giáo khoa được quyết định phê duyệt thì tổ chuyên môn lựa chọn sách giáo khoa trong quyết định, không cần bỏ phiếu.

Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn.

Trường hợp không có sách giáo khoa nào đạt từ 1/2 số giáo viên môn học trở lên bỏ phiếu lựa chọn thì tổ chuyên môn phải thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn lại; sách giáo khoa được lựa chọn là sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất trong lần bỏ phiếu thứ hai.

Trong cả 2 lần bỏ phiếu, nếu có từ 2 sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất bằng nhau thì tổ trưởng tổ chuyên môn quyết định lựa chọn một trong số sách giáo khoa có số giáo viên môn học bỏ phiếu lựa chọn cao nhất…

Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com