Đó là băn khoăn rất nhiều độc giả trên một cộng đồng về tiết kiệm, đầu tư tài chính khi đang có trong tay 1 tỷ tiền tiết kiệm thì nên đầu tư gì. Nhiều lời tư vấn được đưa ra, tuy nhiên đa phần lại thiên về việc chọn kênh mà không lưu ý xem trước khi xuống tiền, cần phải lưu ý những gì
Rất nhiều kênh đầu tư được gợi ý
Cụ thể, bạn độc giả chia sẻ rằng, hiện đang có 1 tỷ tiền tiết kiệm, và xin lời khuyên đầu tư vào kênh nào để tiền đỡ mất giá. Đồng thời, độc giả cũng thắc mắc các phương án, gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp, mua vàng giá cũng bấp bênh, muốn mua đất thì phải vay thêm nhưng liệu có phải đến 2025, khi Luật đất đai mới có hiệu lực thì sẽ rẻ hơn không, giá chung cư từ đầu năm tăng cao quá, cũng khó đầu tư. Chính vì vậy, bạn độc giả có xin lời khuyên từ các nhà đầu tư thông thái.
Rất nhiều lời khuyên được đưa ra như mua đất có thể vùng ven hoặc ở nội thành các tỉnh vùng ven Hà Nội. Có người thì khuyến cáo rằng, 1 tỷ chia ra làm 10 sổ, thời điểm này gửi ngân hàng cho chắc ăn, cố gắng tích cóp thêm hoặc chờ đến thời cơ tốt hơn thì mua đất.
Hay như độc giả Quan Duy có đưa ra lời tư vấn, vàng thì không nên mua thời điểm này vì giá cũng khá cao rồi, mua đất thì với 1 tỷ đó sợ không đủ hoặc có thể phải ra vùng ven Hà Nội như Lương Sơn, Hoà Bình, hoặc Sóc Sơn, Hà Nội.
Còn độc giả Anh Phạm thì phân tích kỹ hơn, việc đầu tư 1 tỷ đồng là một quyết định quan trọng và cần được xem xét kỹ lưỡng, đồng thời đưa ra một số gợi ý.
Có thể xem xét đầu tư vào quỹ đầu tư mở (ETFs) hoặc quỹ hưu trí, hoặc nắm bắt cơ hội khi thị trường địa ốc đi xuống khi có sự thay đổi trong Luật đất đai. Tuy nhiên, Anh Phạm đưa ra lời khuyên, đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào đều cần phải có sự tư vấn từ người có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm.
Trước khi đầu tư, cần lưu ý điều gì?
Theo bà Lại Thị Thanh Nga, Chuyên gia Hoạch định Tài chính Cá nhân, tiết kiệm và đầu tư là hai yếu tố quan trọng trong việc xây dụng nền tảng tài chính vững chắc. Trong đó, đầu tư là chiến lược giúp tăng trưởng tài sản theo thời gian. Nếu bạn đang có 1 tỷ đồng tiết kiệm và đang phân vân giữa các kênh đầu tư, dưới đây là một số lời khuyên.
Đầu tiên là đảm bảo có một quỹ dự phòng đầy đủ, bao gồm từ 3-6 tháng sinh hoạt phí thiết yếu, nên gửi ngân hàng ở kỳ hạn từ 1-6 tháng để có thể sử dụng ngay khi cần. Tiếp theo là phương án bảo về sức khỏe và tài chính, bao gồm BHYT, BHXH nếu chưa có thì cần bổ sung ngay theo phương thức tự nguyện. Thêm vào đó, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chiếm từ 5-8% thu nhập là lựa chọn khôn ngoan.
Nếu gia đình có 4 người, tổng thu nhập là 30 triệu đồng/tháng, hàng tháng sinh hoạt phí là 20 triệu đồng/tháng, quỹ dự phòng nên từ 60-120 triệu đồng, chi phí cho bảo hiểm từ 1.5 – 2.4 triệu đồng.
“Trước khi nghĩ đến việc đầu tư gia tăng tài sản, cần phải có phương án phòng thủ tài chính đầy đủ”, bà Thanh Nga nhấn mạnh.Bà Lại Thị Thanh Nga, Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân, Công ty Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT
Về các kênh đầu tư, chuyên gia Nga cho biết hiện có các kênh sau bạn độc giả có thể quan tâm đó là tiết kiệm ngân hàng, đầu tư vàng, chứng khoán và bất động sản.
Hiện tại lãi suất tiền gửi các kỳ hạn rất thấp nhưng bù lại mức độ an toàn cao, không có rủi ro, nên xem xét phân bổ một tỷ trọng thích hợp, khoảng 15-20% số tiền tuỳ khẩu vị của nhà đầu tư. Với vàng, giá hiện nay lên cao, biến động mạnh, chênh lệch giữa giá mua và giá bán ngày càng lớn. Việc đầu tư vàng thời điểm hiện tại mang yếu tố rủi ro rất cao. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là phòng thủ tích lũy dài hạn, bạn có thể mua vàng nhẫn định kỳ hàng tháng, quý, tỷ lệ năm giữ vàng không nên quá 10% tổng tài sản.
Chứng khoán hiện đang là kênh có tỉ suất sinh lời rất tốt do sự phục hổi của nền kinh tế với thời gian nắm giữ từ 2-3 năm. Các lựa chọn đầu tư phù hợp như chứng chỉ quỹ hoặc chứng khoán theo phương pháp tích sản cho người mới bắt đầu.
Cuối cùng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư yêu thích của người Việt, nếu chưa sở hữu bất động sản, có thể lựa chọn kênh này với mức phù hợp với khả năng tài chính và dòng tiền lâu dài. Với tài chính tầm 1 tỷ bạn có thể lựa chọn phân khúc đất dân sinh vùng ven, hiệu suất sinh lời trung bình từ 9%-15%, phân khúc này phù hợp với tích lũy lâu dài từ trên 3 năm.Bất động sản vẫn là một kênh đầu tư ưa thích của người Việt. Tuy nhiên trước khi xuống tiền cần chuẩn bị nguồn tài chính bảo đảm cho kênh này trong dài hạn. Ảnh: Xuân Thạch
Khi được hỏi về việc, liệu có nên vay tiền thời điểm này để đầu tư bất động sản, một Chuyên gia trong lĩnh vực Ngân hàng cho biết, vay vốn là để nâng cao hiệu quả đầu tư nếu lãi suất vay thấp hơn hiệu suất tăng trưởng tài sản. Vay cũng giúp chủ động sở hữu sớm tài sản tại giai đoạn phù hợp, tận dụng các ưu đãi về hỗ trợ lãi suất, ân hạn gốc để tối ưu dòng tiền.
Nên vay khi có nguồn thu nhập ổn định, tiết kiệm tích lũy hàng tháng trừ đi các chi phí thiết yếu đủ khả năng trả lãi và gốc khi vay trung hạn. Đảm bảo tài sản thế chấp có khả năng tái cơ cấu khi xảy ra rủi ro. Tỉ lệ vay nên chiếm tối đa từ 30-50% giá trị của bất động sản đầu tư tùy thuộc vào tình hình tài chính của người vay và cả tài chính của người thừa kế nếu có.
Chuyên gia ngân hàng ví dụ, một mảnh đất vùng ven có giá 800 triệu đồng, gia đình nếu vay thì nên vay tối đa 400 triệu đồng từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi từ 6% cố định trong 2 năm đầu, thời hạn vay có thể lên đến 15-20 năm.
Các chuyên gia về Giáo dục cũng đưa ra lời khuyên, trước khi đầu tư vào kênh nêu trên, bạn nên giành một phần thu nhập đầu tư vào bản thân, nâng cao khả năng tạo ra thu nhập, có các kiến thức, kỹ năng mới đặc biệt là kiến thức về các kênh mình sẽ đầu tư.
Không đầu tư vào lĩnh lực mà mình không hiểu biết, nếu cần có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân. Kênh đầu tư nào cũng có những rủi ro đi kèm với lợi nhuận nên chìa khóa là duy trì kỷ luật, kiên nhẫn và đánh giá đúng để giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận, học hỏi để cải thiện chiến lược đầu tư cá nhân của mình
Theo Vietnamfinance
Tags:
tiêu dùng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com