Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6 năm nay, nước ta xuất khẩu 4,54 triệu tấn gạo. Ngành hàng này thu về gần 2,9 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
Thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 6 năm nay, nước ta xuất khẩu 4,54 triệu tấn gạo, chỉ tăng nhẹ 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, song kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng mạnh 28,1%.
Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, kim ngạch gạo xuất khẩu tăng mạnh bởi giá gạo bình quân xuất khẩu neo ở mức cao trong suốt thời gian qua.
hilippines và Indonesia vẫn là hai khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong nửa đầu năm nay. Xuất khẩu sang hai thị trường này tiếp tục tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, lượng gạo xuất khẩu sang Philippines trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 1,9 triệu tấn, giá trị đạt 1,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất khẩu sang Philippines tăng 11,7% về lượng và tăng 40,5% về giá trị.
Tương tự, nước ta xuất khẩu sang Indonesia hơn 712.400 tấn gạo, thu về 444,4 triệu USD. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang thị trường Brunei lên tới 959 USD/tấn; xuất khẩu sang Mỹ có giá 868 USD/tấn, sang Hà Lan đạt 857 USD/tấn, Ukraine đạt 847 USD/tấn, Iraq đạt 836 USD/tấn, Thổ Nhĩ Kỳ đạt 831 USD/tấn.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - cho rằng, việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ tác động mạnh mẽ đến các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Giá và lượng gạo Việt xuất khẩu sẽ chịu tác động nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần chủ động giải pháp khi thị trường Ấn Độ xuất khẩu trở lại.
Tình trạng hạn mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng là khó khăn mà ngành lúa gạo cần có giải pháp để duy trì tăng trưởng.
Thực tế, những ngày gần đây, giá gạo trên thị trường thế giới đang có xu hướng giảm. Dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, ngày 10/7, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu trung bình của Việt Nam được niêm yết ở mức 567 USD/tấn, hàng cùng loại của Thái Lan là 578 USD/tấn.
So với ngày 19/7 năm ngoái (thời điểm trước khi Ấn Độ áp lệnh cấm xuất khẩu), giá gạo hiện tại của Việt Nam chỉ cao hơn 34 USD/tấn. Còn so với mức đỉnh 663 USD/tấn được thiết lập ngày 21/11/2023, giá gạo đã giảm 130 USD/tấn.
Theo Thứ trưởng NN-PTNT Phùng Đức Tiến, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi xuất khẩu lúa gạo chất lượng, đảm bảo duy trì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường trước những biến động mới có thể xảy ra khi Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Theo Sở Hữu Trí Tuệ
Tags:
tiêu dùng
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com