Nếu bảng giá đất mới được thông qua và áp dụng từ 1/8, giá đất tại tại TP.HCM dự kiến tăng vọt với mức khoảng từ 5 - 50 lần. Tuy nhiên, việc áp dụng bảng giá mới một cách gấp gáp có thể khiến cho nhiều người dân bị sốc.
Ngày 19/7, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có Dự thảo tờ trình điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn, dự kiến áp dụng từ ngày 1/8. Theo bảng giá đất mới này, mức tăng khoảng từ 5 - 50 lần so với hiện nay, giá đất ở cao nhất 810 triệu đồng/m2.
Tờ trình cũng nói rõ về chủ trương, việc xây dựng bảng giá đất điều chỉnh chỉ áp dụng từ ngày 1/08/2024 đến hết ngày 31/12/2024 (5 tháng). Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội từ đó tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025.
Việc dự thảo điều chỉnh giá đất và áp dụng quá gấp khiến cho nhiều người dân trên địa bàn TP.HCM hoang mang, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá đất một cách quá cao sẽ khiến cho ước mơ sở hữu nhà của người dân lao động càng xa vời.
“Thiết nghĩ việc áp dụng giá đất một cách gấp gáp và tăng nhanh không chỉ cá nhân tôi mà cũng rất nhiều người dân rất sốc. Nhà nước cần tính toán lại mức giá phù hợp với tình hình kinh tế và thu nhập của đa số dân và có lộ trình rõ ràng, hợp lý để mọi tầng lớp người dân đỡ hoang mang. Nên lùi thời gian dự kiến áp dụng ít nhất 12 tháng và nếu được, cần có cuộc khảo sát đối với người dân”, anh Quang – một người dân ngụ Quận 12, TP.HCM chia sẻ.
“Trong khi Nhà nước quy định hết 31/12/2025 mới áp dụng đơn giá đất mới mà TP.HCM dự kiến áp dụng từ ngày 1/8/2024 thì quá nhanh, sẽ gây sốc và làm thiệt hại cho người dân. Thời điểm này áp dụng là chưa thích hợp vì cả người dân và doanh nghiệp đều đang rất khó khăn, vì vậy tôi hy vọng lùi thời hạn áp dụng bảng giá mới để giảm tối đa thiệt hại cho người dân. Đồng thời cũng phải có lộ trình lấy ý kiến của dân”, chị Nhung – người dân ngụ quận Tân Phú nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, giá đất mà Sở trình UBND TP bằng khoảng 70% giá thị trường hiện tại.
Theo một số người môi giới bất động sản, bảng giá đất mới có nhiều tác động tích cực đến đời sống xã hội như tiệm cận được giá thị trường, từ đó hạn chế các khiếu nại về giá đất, đẩy nhanh tiến trình hỗ trợ, bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất. Tuy nhiên, việc áp dụng bảng giá đất có phần vội vàng của TP.HCM lại ảnh hưởng đến rất nhiều đến bộ phận người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ nhu cầu an sinh.
“Nhiều khu vực ngoại thành, việc tăng giá đất cao sẽ khiến dân bị sốc, vì vậy TP.HCM cần có thời gian khảo sát ý kiến và tuyên truyền những tác động tích cực để dân hiểu. Khi người dân đã đồng thuận thì việc triển khai sẽ dễ dàng hơn”, anh Phong – một mội giới bất động sản chuyên hoạt động ở khu vực Quận 12, Hóc Môn – chia sẻ.
Dự kiến, bảng giá đất mới tại TP.HCM sẽ khiến giá đất thay đổi như sau:
Quận 1: Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh tại các tuyến đường đều gấp 5 lần so với quy định trước đó, cao nhất là 3 đường Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Đơn giá mới của các tuyến này có thể lên đến 810 triệu đồng/m2.
Quận 3: Bảng giá đất điều chỉnh tại các tuyến đường trung bình gấp gần 6,3 lần thời điểm hiện tại. Đơn giá lớn nhất là 420 triệu đồng/m2 được áp dụng cho các tuyến đường gồm: Công Trường Quốc Tế, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Cao Vân.
Quận 4: Mức tăng trung bình là khoảng 11,3 lần. Xét về trị số thì có 2 tuyến đường có cùng đơn giá cao nhất là 389,9 triệu đồng/m2 là đường Hoàng Diệu (đoạn từ Nguyễn Tất Thành đến Đoàn Văn Bơ) và đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ cầu Khánh Hội đến Lê Văn Linh).
Dự kiến sẽ có 8 nhóm đối tượng bị tác động bởi bảng giá đất mới này.
Quận 5: Hệ số giá đất tăng trung bình 5,6 lần so với trước đó. Về giá trị, đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Tri Phương) là cao nhất với 368,5 triệu đồng/m2.
Quận 6: Mức tăng trung bình 7,7 lần so với quyết định trước đó. Đường Tháp Mười (đoạn Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh) là tuyến đường “đắt” nhất Quận 6 với 374 triệu đồng/m2.
Quận 7: Đơn giá đất dự kiến điều chỉnh trung bình gấp 10,5 lần giá đất hiện tại. Tăng cao nhất là đường trục chính (20m) thuộc đường nội bộ khu dân cư Phú Mỹ (khu tái định cư Phạm Hữu Lầu) tăng gấp 15,6 lần, với 54.5 triệu đồng/m2.
Quận 8: Mức tăng trung bình theo dự thảo gấp 8,9 lần thời điểm hiện tại. Đường Dương Bá Trạc (đoạn từ Phạm Thế Hiển đến cầu Sông Xáng) là tuyến đường có mức giá cao nhất với 198 triệu đồng/m2.
Quận 10: Tăng gấp 5,4 lần bảng giá đất hiện tại, tăng nhiều nhất trong dự thảo là đường Trần Bình Trọng khi gấp 5,6 lần, lên 86 triệu đồng/m2. Tuyến đường có mức giá cao nhất là 3 Tháng 2 (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Ngã 6 Công Trường Dân Chủ) với 270,2 triệu đồng/m2.
Quận 11: Mức tăng trung bình 7,5 lần so với trước đó. Tuyến đường cao nhất là Lữ Gia (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Nguyễn Thị Nhỏ) với đơn giá có thể đạt 260 triệu đồng/m2.
Quận 12: Mức tăng trung bình 15,1 lần, trong đó đường Thạnh Xuân 13 (đoạn từ Quốc Lộ 1 đến Cổng Gò Sao) tăng cao nhất, gấp đến 33,4 lần với 60,2 triệu đồng/m2. Đường Trường Chinh (đoạn cầu Tham Lương đến ngã tư An Sương) là tuyến đường “đắt” nhất với 126,3 triệu đồng/m2.
Phú Nhuận: Dự kiến đơn giá tăng trung bình 7,2 lần so với hiện tại. Tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi tiếp tục sẽ là đoạn đường “dát vàng” của quận khi có thể lên đến 336 triệu đồng/m2.
Tân Bình: Mức tăng bình quân 8,8 lần so với đơn giá cũ. Tuyến đường có mức giá cao nhất là Nguyễn Văn Trỗi (đoạn từ Hoàng Văn Thụ đến ranh quận Phú Nhuận) với 336,6 triệu đồng/m2.
Tân Phú: Bảng giá đất các tuyến đường sau điều chỉnh dự kiến gấp 11,4 lần hiện tại. Trong đó, tuyến đường đắt nhất là Lũy Bán Bích với 160 triệu đồng/m2.
Gò Vấp: Đơn giá bình quân dự kiến gấp gần 8 lần quy định trước đây. Đường Nguyễn Thái Sơn (đoạn từ Phạm Ngũ Lão đến Phan Văn Trị) là tuyến đường có mức giá cao nhất với 140 triệu đồng/m2.
Bình Thạnh: Mức tăng đơn giá đất trung bình 6,8 lần. Đường Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn) là đoạn có mức giá cao nhất với 222 triệu đồng/m2.
Bình Tân có đơn giá mới trung bình gấp 12,7 lần so với quy định hiện tại. Cao nhất là các đường 1, 2, 3, 8 thuộc khu dân cư Vĩnh Lộc với 145.8 triệu đồng/m2.
Hóc Môn: Đơn giá bình quân gấp 22 lần hiện tại. Đường có giá cao nhất là Lê Lai với 87 triệu đồng/m2.
Nhà Bè: Bảng giá đất trung bình mới có thể gấp 13,3 lần so với quy định trước đây. Đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Trạch Đĩa 2 đến cầu Bà Chiêm) là đoạn đường có đơn giá cao nhất với 84 triệu đồng/m2.
Cần Giờ: Trung bình gấp 13,9 lần so với hiện tại. Đơn giá cao nhất là hai đoạn Rừng Sác từ phà Bình Khánh đến cầu vượt Bến Lức - Long Thành và từ cầu vượt này đến Hà Quang Vóc với cùng 24,6 triệu đồng/m2.
Bình Chánh: Mức điều chỉnh trung bình khoảng 12,3 lần so với hiện tại. Đường có đơn giá cao nhất là đường số 9A thuộc khu dân cư Trung Sơn (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến càu Kênh Xáng) với 200 triệu đồng/m2.
Củ Chi có bảng giá điều chỉnh trung bình dự kiến gấp 19,5 lần so với trước đó. Tuyến đường “đắt” nhất là Tỉnh lộ 8 (đoạn từ điểm cách cầu vượt Củ Chi 500m hướng Tam Tân đến Trường cấp 3 Củ Chi), có giá 46,8 triệu đồng/m2.
TP Thủ Đức: Bảng giá sau khi điều chỉnh của khu vực bình quân gấp 13,4 lần so với trước đây. Các đường có mức giá cao nhất là Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành, Nguyễn Cơ Thạch với cùng 295 triệu đồng/m2.
Đối với đất phi nông nghiệp, dự thảo phân loại thành 4 vị trí. Trong đó: Vị trí 1 là đất có vị trí mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất có ít nhất một mặt giáp với đường; Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0,5 của vị trí 1; Vị trí 3 áp dụng tương tự đối với các thửa đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3m – dưới 5m thì tính bằng 0,8 của vị trí 2; Vị trí 4 áp dụng đối với các thửa đất có những vị trí còn lại tính bằng 0,8 của vị trí 3.
Trường hợp các vị trí nêu trên có độ sâu tính từ mép trong lề đường của mặt tiền đường (theo bản đồ địa chính) từ 100m trở lên thì giá đất tính giảm 10% của từng vị trí.
Khi áp dụng quy định này, giá đất thuộc đô thị đặc biệt tại vị trí không mặt tiền đường không được thấp hơn mức giá tối thiểu trong khung giá đất của Chính phủ, tương ứng với từng loại đất.
Theo Sở Hữu Trí Tuệ
Tags:
nhà đất
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com