Nhiều người cho biết chợ quê Tân Thuận Đông ở Đồng Tháp không chỉ nhiều đồ ngon mà còn là nơi vãn cảnh tuyệt vời.
Ở nhiều làng quê Việt Nam, việc đi chợ không chỉ đơn thuần là mua sắm mà còn là nét văn hóa, là nơi hội tụ và giao lưu của bao con người. Bình minh vừa lên, từng dãy quầy hàng bắt đầu xếp đặt, tràn ngập sắc màu của rau cải xanh non, của hoa quả chín mọng và những bó hoa cúc, hoa hồng tươi thắm. Tiếng nói cười rôm rả, tiếng mặc cả qua lại như một bản hòa nhạc độc đáo của cuộc sống. Đặc biệt là những hôm chợ phiên càng khiến nhiều người háo hức.
Phần lớn, các chợ phiên ở quê thường họp vào buổi sáng. Bởi vậy, người đi chợ ở quê vẫn luôn giữ thói quen dậy sớm, bởi họ tin rằng, những sản phẩm tươi ngon và chất lượng nhất luôn được bày bán vào buổi sáng sớm. Những bà tiểu thương, với nụ cười hiền hậu trên môi, cặm cụi sắp xếp từng nải chuối, từng giỏ cá tươi rói, mời chào khách qua lại. Hàng bún, hàng thịt, hàng trứng, mỗi nơi đều tỏa ra mùi thơm nức, khiến bất cứ ai lướt qua cũng không khỏi ngắm nhìn và muốn dừng chân.
Thế nhưng, có một chợ quê có khung giờ mở cửa độc đáo thu hút nhiều người đến thăm, đó là chợ Tân Thuận Đồng ở Đồng Tháp.
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Họp chợ từ 14h-20h mỗi thứ 7
Như đã nói, phần lớn các chợ phiên ở quê thường họp buổi sớm, nhưng chợ quê ở miền Tây lại có nhiều sắc thái khác. Chẳng hạn như chợ Tân Thuận Đông ở Đồng Tháp. Chợ này họp từ 14h đến khoảng 20h chỉ ngày thứ 7.
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Không khí chợ quê thật sự ấm cúng, gần gũi. Mọi người không chỉ đến đây để mua bán mà còn để trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện đời thường. Nhiều người đi chợ quê Tân Thuận Đông không chỉ mua sắm mà còn vãn cảnh, ngắm nhìn sông nước. Hơn nữa, chợ phiên diễn ra vào cuối tuần nên càng thu hút đông người.
Chợ quê Tân Thuận Đông bán gì?
Ở chợ quê Tân Thuận Đông chủ yếu bán các đặc sản của vùng quê này như các loại bánh trái của địa phương, hoa quả của nhà trồng được mang bán thay vì nhập ở nhiều nơi về như các chợ thông thường khác.
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Đặc biệt, ở đây "bạt ngàn" các loại bánh dân gian, món ăn vặt đặc sản địa phương, chẳng hạn như chuối nếp nướng, bánh lá mít, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm... Cùng với đó là các loại chè, thạch,... Giá cả ở đây rất phải chăng, các món ăn chỉ từ 10k-20k. Bởi vậy, cầm 100k đi chợ bạn cũng có thể ăn no thoải mái.
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Các món bánh đặc sản ở đây cũng được làm trực tiếp, ngon và các quầy hàng trông rất sạch sẽ.
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Ngoài bánh dân gian, tại chợ Tân Thuận Đông cũng bán thêm các loại vẹm nướng mỡ hành, cá lóc nướng, bánh tép chiên, thịt chuột nướng...
Nguồn: Trần Ngọc Nè
Khu chợ chia làm hai bên, một bên bán hoa quả cùng các loại bánh dân gian, bên còn lại bán các món chiên nướng, cá đồng quê. Các sạp hàng ở đây được bày biện rất tươi ngon và sạch sẽ, đặc biệt bạn sẽ cảm nhận được sự "lành" của rau củ quả, đặc trưng của vùng quê.
Điều ấy, không chỉ làm nên nét đặc trưng của chợ quê mà còn khắc họa lên bức tranh sống động về nếp sống bình dị nơi đây. Tại đây, trái ngọt căng mơn mởn, rau xanh tươi tốt tựa như lẫn trong hơi thở của sông nước, làm nên bạt ngàn đồ đặc sản khiến nhiều người nhìn thấy món gì cũng muốn mua.
Thú vị hơn, ở chợ Tân Thuận Đông không tồn tại nét văn hóa mặc cả quen thuộc như nơi khác. Bởi giá cả luôn ở mức phải chăng, hợp lý đến mức khách hàng chỉ biết gật gù thấy ổn, không cần phải thương lượng, thậm chí còn thấy quá rẻ so với chất lượng đồ ăn. Người dân nơi đây, với tấm lòng mộc mạc, hiếu khách, đã làm nên một chợ quê thật sự khó quên trong lòng du khách phương xa.
Chợ Tân Thuận Đông không chỉ là nơi giao thương, mà còn là điểm hẹn của những trải nghiệm văn hóa đặc sắc, nơi hồn quê hòa quyện cùng nhịp sống đương đại, nơi bạn có thể tìm trải nghiệm ẩm thực quê ở các sạp hàng. Bởi vậy, chợ quê Tân Thuận Đông luôn thu hút những tín đồ ẩm thực ghé thăm.
Theo Phụ Nữ Số
Tags:
khám phá
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com