Sụt lún khiến TP.HCM “chìm” từ 2-5cm mỗi năm

Hiện nay tình trạng sụt lún đất đang là một thách thức lớn đối với các đô thị phát triển nhanh và TP.HCM cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tình trạng sụt lún tại TP.HCM hiện đang rơi vào tình trạng báo động, điều này đã đặt TP.HCM vào thế cần phải hành động kịp thời và hiệu quả.

Ngày 8/11, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Thực trạng vấn đề sụt lún đất và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế bền vững của TP.HCM".

Sụt lún nhanh gấp 2 lần nước biển dâng

Hội thảo hướng đến việc đánh giá thực trạng và tác động của sụt lún đất tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ảnh hưởng của sụt lún đất đến sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường sống. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ các nghiên cứu, giải pháp và kinh nghiệm nhằm tìm ra hướng đi khả thi, để kiểm soát và giảm thiểu sụt lún tại TP.HCM

Đồng thời, kêu gọi sự hợp tác và cam kết thực hiện từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và cộng đồng nhằm thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng sụt lún đất nền ở TP.HCM diễn ra liên tục từ năm 1990, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100cm, tốc độ lún khoảng 2-5cm/năm. Riêng những khu vực tập trung các công trình thương mại tốc độ lún khoảng 7-8cm mỗi năm. Hiện tốc độ lún nền đất tại TP.HCM cao gấp 2 lần so với nước biển dâng (khoảng 1cm/năm).

“Sự kết hợp giữa sụt lún đất với triều cường và mực nước biển dâng đã làm cho nguy cơ TP.HCM ngày càng “chìm dần” và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của TP.HCM trong bối cảnh thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sụt lún cũng gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”, PGS.TS Huỳnh Quyền bày tỏ.PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Trình bày báo cáo về thực trạng sụt lún đất tại TP.HCM, ThS Nguyễn Thanh Nhuận - Phòng Đo đạc, bản đồ và Viễn thám, Sở TN-MT TP.HCM cho biết, quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM trong năm 2019 cho thấy trên địa bàn tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất. Khu vực bị sụt lún lớn nhất đo được lên đến 31mm, trong đó, diện tích vùng lún nhanh với tốc độ trên 15mm/năm là hơn 14.000 ha, diện tích vùng lún tương đối nhanh từ 10-15mm/năm là hơn 22.000 ha.

So với giai đoạn từ năm 1996-2014, khu vực quận 8, huyện Bình Chánh, quận 12, quận 7 vẫn tiếp tục bị lún, khu vực quận 5, quận 10, quận 11 đã không còn xuất hiện các vùng lún. Bên cạnh đó, có nhiều vùng lún mới xuất hiện như: ở khu vực quận 9 (cũ), các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Sau năm 2014, Bộ TN-MT vẫn tiếp tục quan trắc, kết quả cho thấy điểm lún tại quận Bình Tân đã tăng lên 81,8cm, còn điểm ở huyện Bình Chánh tăng lên 48,8cm.

Hiện tượng biến dạng sụt lún bề mặt đất là loại tai biến địa chất phổ biến trên thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở những vùng đô thị. Sụt lún đất thường diễn ra từ từ nhưng gây ra những tác hại rất lớn, không chỉ gây ảnh hưởng đến hạ tầng đô thị, gia tăng nguy cơ ngập lụt mà còn tác động sâu sắc đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của thành phố.

Lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm

Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay: Khi tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP.HCM ngày càng nhanh thì áp lực sụt lún lại càng lớn. Đặc biệt, hiện nay có nhiều khu dân cư mới mọc lên gây tác động, ảnh hưởng đến các đối tượng khu dân cư xung quanh. Trong đó, nhà xây sau có xu hướng xây cao hơn nhà xây trước cũng sẽ khiến nguy cơ sụt lún trở lên khó lường và diễn biến phức tạp

"Chúng tôi cũng mong rằng thông qua buổi hội thảo sẽ được lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như toàn thể quý vị đại biểu tham dự về những chia sẻ, phương pháp, hiến kế giúp cho thành phố giải quyết vấn đề sụt lún trên địa bàn một cách hiệu quả nhất", - Phó Giám đốc Sở TN-MT bày tỏ.Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN-MT phát biểu tại hội thảo.

Đối với các nguyên nhân gây sụt lún tại TP.HCM, ThS. Nguyễn Thanh Nhuận cho hay, nền địa chất trên địa bàn thành phố có những vùng tốc độ lún cao trên 10 mm/năm là do những nơi này có nền địa chất yếu, đóng vai trò rất lớn trong việc làm biến dạng, gây lún đất. Kế đến, tác động của hoạt động giao thông, trong đó có nơi hoạt động giao thông tần suất lớn, tải trọng lớn, đã làm cho nền đất yếu bị hóa lỏng... gây sụt lún đất.

Tương tự, TS Nguyễn Việt Kỳ - Phụ trách khoa Địa chất và Khoáng sản Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông tin: Ngoài các nguyên nhân gây sụt lún tự nhiên như: dịch chuyển các mảng kiến tạo, quá trình nén chặt tự nhiên của lớp trầm tích, sự hạ thấp mực nước dưới đất, quá trình tẩm ướt bởi nước mưa, triều cường đã làm thay đổi trạng thái của đất,… còn có nhóm nguyên nhân do con người tác động gây nên việc sụt lún như quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Đặc biệt là tác dộng của khai thác nước ngầm. Trước năm 2010 đây được cho là nguyên nhân gây lún chính ở vùng Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, Củ Chi, Hóc Môn… Hiện nay TP.HCM đã hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm.Tình trạng sụt lún nền đất kết hợp với triều cường gây ngập lụt tại TP.HCM. Ảnh minh họa

Để hạn chế tình trạng sụt lún ở TP.HCM, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, việc đầu tiên là cần giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng ở những vùng có nền đất yếu, song song với đó là lập kế hoạch, và giảm việc khai thác mực nước ngầm...

TS Nguyễn Việt Kỳ đề xuất: Cầm giảm phụ thuộc vào nước dưới đất, tăng cường xây dựng các công trình cấp nước sạch từ các nguồn khác; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm giảm thiểu khả năng hạ thấp mực nước, thu gom nước mưa từ hệ thống mái nhà, sân bãi

Đặc biệt, thành phố cần đầu tư một hệ thống giám sát thường xuyên và dự báo về tình hình sụt lún nền đất trên địa bàn nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, dự báo biến dạng lún mặt đất, xác lập cơ sở xây dựng hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc biến dạng lún trên địa bàn thành phố để có thể ứng phó và hướng xử lý kịp thời.Các đại biểu tham dự hội thảo "Thực trạng vấn đề sụt lún đất và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế bền vững của TP.HCM" chụp hình lưu niệm.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: giadinhtieudung@gmail.com

* Trang Thông tin Điện tử Tổng hợp
Giấy phép ICP số 45/GP-STTTT do Sở TTTT cấp ngày 06/08/2019
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhà báo Hương Sen
Ghi rõ nguồn: giadinhtieudung.vn khi lấy thông tin từ trang này

* Bản quyền thuộc Hello Media
Văn phòng: Đường số 9, khu đô thị Sala,
Thành phố Thủ Đức, TP.HCM
Email: giadinhtieudung@gmail.com