Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các quảng cáo "loại bỏ máu xấu sau hai tiếng" trên mạng xã hội là quảng cáo "rởm". Người dùng không nên quá chú trọng vào lượt like trên các trang mạng xã hội, bởi tất cả đều có thể mua được.
Ngừa tất cả bệnh lý nguy hiểm nhờ lọc máu?
Trên mạng xã hội gần đây xuất hiện nhiều quảng cáo "loại bỏ máu xấu" để loại bỏ mỡ máu và nhiều bệnh khác. Nhiều cơ sở “nổ” rằng chỉ cần lọc máu không những xóa bỏ mỡ máu mà còn loại bỏ máu xấu sẽ ngăn ngừa được các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ não, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, viêm tụy...
Tuy nhiên về mặt chuyên môn, phương pháp lọc mỡ máu là phương pháp lọc huyết tương hai quả lọc, dành cho người bệnh nặng như tăng lipid máu có nguy cơ tắc mạch máu bất kỳ lúc nào, bệnh đa u tủy xương… Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc lọc máu có thể phòng ngừa bệnh.
Liên quan đến các quảng cáo nói trên, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bản thân thường xuyên bị nhắn tin hỏi những quảng cáo về thuốc hay phương pháp điều trị trên các trang mạng là đúng hay không, đặc biệt là các quảng cáo về phương pháp "loại bỏ máu xấu". PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Theo tìm hiểu, các quảng cáo này thường có số lượng người tiếp cận lớn trên mạng xã hội. Nội dung quảng cáo đánh trực tiếp vào tâm lý "vái tứ phương" của người bệnh.
Đơn cử, nội dung quảng cáo lọc máu của một fanpage có tên "Hệ thống phòng khám đa khoa..." cam kết "khách hàng chỉ bỏ ra 2 tiếng là có thể loại bỏ toàn bộ Cholesterol xấu ra khỏi cơ thể mà không hề có biến chứng gì".
Tiếp tục đánh vào tâm lý của người xem, phòng khám quảng cáo "nếu mỡ mãu xấu cứ tích tụ và tăng dần trong cơ thể sẽ gây ra những hậu quả và biến chứng hết sức nguy hiểm như đột quỵ não, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, viêm tụy, sa sút trí tuệ".
Theo lời quảng cáo, phương pháp lọc máu của phòng khám này sẽ giúp loại bỏ trực tiếp mỡ máu (cholesterol xấu), tống khứ chất gây viêm và cặn bã trong máu, ngăn ngừa đột quỵ, tai biến máu não, nhồi máu cơ tim, hạ chỉ số men cao và giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch, tiểu đường, suy thận.
Để tạo lòng tin, quảng cáo này nhấn mạnh "khách hàng sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình lọc máu của chính mình mà không cảm thấy đau đớn hay khó chịu".
"Đọc qua đã biết là rởm nhưng vì nhìn số lượng like, share và bình luận khiến tôi phải cẩn thận nhấc máy và gọi theo số quảng cáo. Tiếp nhận điện thoại là một chuyên gia chắc chắn là rởm vì khi vừa nhấc máy đã xưng chị với tôi và hỏi "em cần tư vấn gì về yếu sinh lý". Tuy nhiên, sau khi bị văn mấy câu đã tỏ rõ vẻ ấp úng, hẹn sẽ hỏi bác sĩ chuyên gia rồi... chuồn luôn!" - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Làm sao để nhận diện quảng cáo "rởm'?
Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khá đơn giản để nhận ra các quảng cáo rởm nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. Về cơ bản, một quảng cáo 'rởm' thường được thiết kế dựa trên 7 yếu tố.
Đầu tiên, dễ thấy ở những quảng cáo này là tên cơ sở phòng khám thường được giới thiệu chung chung, mập mờ như Trung tâm Công nghệ cao, Phòng khám quốc tế... Đáng chú ý, một số phòng khám còn liều mạng lấy tên gần giống với các cơ sở y tế nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu người dùng để ý kỹ sẽ phát hiện các điểm khác biệt về logo hoặc tên thiếu một, hai chữ so với các cơ sở y tế nổi tiếng. Đối với các quảng bê nguyên tên các cơ sở y tế nổi tiếng, người dùng sẽ dễ dàng phát hiện bởi hình thức lừa đảo quá rõ ràng.
Tiếp đến, các quảng cáo này thường được gắn chú thích "Sponsors" (Nhà tài trợ) phía dưới tên cơ sở. Đây là những quảng cáo chạy tiền cho facebook hay Youtube.
"Do đó, người dùng không nên quá chú trọng vào lượt like trên các trang mạng xã hội, bởi tất cả đều có thể mua được" - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo.
Bên cạnh đó, các quảng cáo này thường không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ có số điện thoại. Nếu người dùng chú ý kỹ sẽ thấy các số này không đẹp, bởi đa phần là sim rác. Trường hợp quảng cáo có ghi địa chỉ sẽ rất chung chung như chỉ có số nhà và đường, không có thông tin quận, huyện, thành phố.
Đáng chú ý, nội dung của quảng cáo luôn được thổi phồng. Đa phần sẽ khẳng định 100% chữa khỏi, luôn liệt kê một dãy dài các nguy hiểm nếu không chữa, phương pháp làm sẽ đơn giản chỉ vài tiếng, vài lần... Đặc biệt, đại đa số quảng cáo rởm sẽ khẳng định phương pháp điều trị sẽ an toàn tuyệt đối. Thông thường, người có chuyên môn sẽ nhận ra ngay nhưng với những người bệnh đang "chết đuối vớ được cọc", không tỉnh táo sẽ bị loá mắt.
"Luôn có một tỷ lệ % nguy hại của bất cứ phương pháp điều trị nào và không một thầy thuốc dù rất nhiều kinh nghiệm lại giải thích cho người bệnh 100% thành công" - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu khẳng định.
Điểm nhận diện thứ năm là khi người dùng nhắn tin hỏi phía dưới phần bình luận sẽ có câu trả lời giống nhau và đề nghị nhắn tin riêng. Số comment hiển thị luôn rất lớn, có khi đến hàng nghìn nhưng ấn vào kiểm tra chỉ có rất ít.
Nói thêm về điều này, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết, khi chạy đổ tiền chạy quảng cáo, các phòng khám 'rởm' đã mua cả số bình luận hoặc xoá đi các bình luận vạch trần sự lừa đảo. Nếu không tin, bạn hãy thử phê bình một cách dù rất nhẹ nhàng nhưng comment cũng không bao giờ hiển thị.
Kế đến, các bệnh nhân được phỏng vấn luôn khẳng định đã được chữa khỏi, giọng luôn giống nhau và người đóng vai thường là mặc quần áo bộ đội, tuổi trạc lục tuần.
"Nếu là người nổi tiếng thì theo tôi quảng cáo không phải rởm 100% vì cũng là đầu tư chi phí và cũng có địa chỉ để xử phạt. Các sản phẩm do người nổi tiếng quảng cáo đa phần là chữa triệu chứng hoặc thực phẩm chức năng nên cũng ít tác dụng phụ, vô thưởng vô phạt. Sau khi bị báo chí nhắc nhở số lượng này cũng giảm đi rất nhiều" - PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho hay.
Cuối cùng, khi người dùng liên hệ trực tiếp qua các hotline, bao giờ cũng là giọng nữ trả lời, nếu hỏi kỹ cô ấy thường hẹn sẽ có người liên hệ lại. Phần lớn những người này không phải là bác sĩ, thậm chí còn không là nhân viên y tế, ít khi xưng tên nên nếu chỉ cần hỏi tên và địa chỉ chính xác là ấp úng.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, tất cả các quảng cáo "rởm" chỉ có đất sống khi hệ thống y khoa chưa tạo được niềm tin cho người dân. Do đó, các nhân viên y tế không được "tặc lưỡi" trước cái xấu vì nhiều khi hậu quả sẽ rơi vào chính người thân của mình.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần có phương án tường minh để răn đe và ngăn chặn sản phẩm vô cùng độc hại này. Đơn giản nhất là có bộ phận rà soát thường xuyên trên các trang mạng (AI làm rất tốt việc này), tiếp nhận các thông tin trên đường dây nóng và sau đó công khai thông tin để người dân nếu cần tìm hiểu có thể tra ngay đây có phải quảng cái rởm hay không.
Theo Tiếp Thị Gia Đình
xuyên trên các trang mạng (AI làm rất tốt việc này), tiếp nhận các thông tin trên đường dây nóng và sau đó công khai thông tin để người dân nếu cần tìm hiểu có thể tra ngay đây có phải quảng cái rởm hay không.
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com