Từ chuyện Vinfast tham gia Paris Motor Show: Ước tính chi phí “khủng” các hãng xe hơi cần bỏ ra để đưa sản phẩm lên sàn diễn quốc tế
Chính vì mức chi phí cao mà những ông lớn như Ford, Nissan, Volvo, Rolls-Royce... cũng đã tuyên bố không tham gia Paris Motor Show năm nay.
Các show trình diễn ô tô có lẽ sở hữu bảng lịch sử hình thành, phát triển dày dặn không kém bản thân những chiếc xe. Kể từ thời điểm bình minh của ngành công nghiệp tự động hóa này, cảnh đám đông hăm hở tụ tập, cùng ngắm nhìn bình luận những mẫu thiết kế mới nhất, hiện đại nhất trong một tiền sảnh sáng lóa ánh đèn đã trở thành điều đáng mong chờ nhất năm. Và các nhà sản xuất đủ độ nhạy bén để nhận ra việc tham dự các show diễn ô tô không chỉ là cơ hội phô bày công nghệ tối tân họ đang sở hữu, mà còn là nơi tìm kiếm những hợp đồng mua bán béo bở. Các show trình diễn ô tô, vì thế, đã vượt qua địa hạt một show diễn thông thường để trở thành một kênh marketing đắt đỏ bậc nhất.
Mỗi năm, những sàn diễn này lại được chăm chút kỹ hơn và thiết kế công phu hơn. Ví dụ như sàn diễn của Toyota tại Triển lãm ô tô quốc tế ở Toronto, Canada vào năm 2013. Với hơn 10 mẫu xe mới mang đi trình diễn, một đội ngũ khoảng 30-40 người đã làm việc liên tục trong 10 ngày để dựng sân khấu cho Toyota. Sân khâu ấy bao gồm: một màn hình LED khổng lồ, một khu vực chuyên chụp ảnh selfie dưới dạng tương tác và một khu vực nữa để trưng bày tuyệt phẩm thời đó, dòng xe thể thao Toyota FT-1.
Dĩ nhiên với thiết kế công phu và tỉ mỉ như vậy, gian hàng trưng bày của các hãng tại show triển lãm ô tô sẽ ngốn khoản chi phí không nhỏ. Theo một bài báo của Forbes năm 2013, để tham gia những show tương tự thế này, mỗi hãng ô tô sẽ bỏ ra từ 5-10 triệu USD, tùy thuộc vào phạm vi và diện tích mặt sàn sử dụng. Đó là với những show diễn tầm trung, còn top 5 triển lãm ô tô danh giá nhất thế giới, tổ chức tại Tokyo, Frankfurt, Paris, Geneva và Detroit, chi phí này có thể lên tới hàng chục triệu USD.
Stephen Beatty, phó chủ tịch Toyota Canada, từ chối tiết lộ số tiền cụ thể mà họ đổ vào sàn diễn chỉ kéo dài trong 10 ngày tại Toronto, nhưng khẳng định chiến lược marketing này sẽ được hãng duy trì trong khoảng thời gian từ 3-5 năm tiếp theo.
"Những sân khấu ấy phản ánh độ nhận diện ở mức độ toàn cầu của Toyota, cung cấp cho khách hàng những cảm nhận tinh tế về mặt chuyển động của sản phẩm và thương hiệu. Mỗi sân khấu có thể thiết kế khác nhau, những đều sở hữu tính nhất quán chung của Toyota toàn cầu", ông Stephen Beatty cho biết.
Trái lại, nhà phân tích Dennis DesRosiers thẳng thừng chỉ ra các nhà sản xuất tương tự Toyota thường "đốt" rất nhiều tiền vào các gian hàng trưng bày tại triển lãm ô tô đơn giản vì triển lãm thường diễn ra ngay trước mùa xuân, thời điểm mua xe nhộn nhịp nhất trong năm. Các màn trình diễn là cơ hội lý tưởng để các nhà sản xuất thể hiện những nét nổi bật trong sản phẩm của họ và khuấy động sự quan tâm từ nhóm khách hàng tiềm năng.
Không phải ai cũng dám chi "bạo"
Được tổ chức 2 năm một lần, triển lãm ô tô Paris (Paris Motor Show) không phải là sự kiện ô tô lớn nhất thế giới nhưng trong những năm gần đây, nó có lượng khách tham quan nhiều nhất. Năm 2016, Paris Motor Show đã chào đón hơn 1 triệu du khách và 10.000 nhà báo, nhiều hơn cả Frankfurt hay Tokyo. Với sự kết hợp tinh tế của rượu vang, mỹ thuật và kỹ thuật ô tô, Paris Motor Show trở thành địa điểm ưa thích của giới mộ điệu toàn cầu.
Năm nay triển lãm sẽ bắt đầu từ ngày 2/10 và kết thúc vào 14/10. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, rất nhiều thương hiệu lớn đã tuyên bố rút khỏi triển lãm, trong đó có Tập đoàn Volkswagen, đơn vị sở hữu dòng xe thể thao Lamborghini và thương hiệu hạng sang Bentley. Một số hãng khác như Ford, Nissan, Volvo, Mitsubishi, Mazda, Aston Martin, Rolls-Royce và McLaren cũng có động thái tương tự.
Theo Reuters, kể từ sau vụ bê bối khí thải năm 2015, Volkswagen đã hạn chế xuất hiện tại các show trình diễn ô tô, bao gồm cả những show lớn như Detroit và Frankfurt, chứ không riêng gì Paris. Đây được coi là cách để hãng xe lớn nhất châu Âu cắt giảm chi tiêu sau khi đốt hàng tỷ USD vào các cuộc thử nghiệm mức phát thải khí diesel. Reuters cũng dẫn lời Dudenhoeffer, cựu giám đốc tiếp thị của Porsche, cho rằng Volkswagen có thể đã chi tới 50 triệu euro cho mỗi lần tham gia Paris Motor Show.
Tuy nhiên phía Volkswagen từ chối bình luận về con số này. Vào tháng 5 vừa rồi, đại diện của hãng chỉ chia sẻ khá đơn giản về kế hoạch "liên tục xem xét lại sự xuất hiện tại các show trình diễn thế giới" và cũng không khẳng định Volkswagen có tham dự tiếp Paris Motor Show năm 2020 hay không.
Một mẫu xe Opel.
Tương tự với Volkswagen, Opel, thương hiệu trước đây thuộc sở hữu của tập đoàn GM (Đức) sau đó bị mua lại bởi tập đoàn PSA (Pháp) cũng nói không với show trình diễn được tổ chức ngay tại "quê nhà". Đại diện hãng cho rằng họ sẽ tham gia khi nào khoản đầu tư đắt đỏ này mang lại giá trị kinh doanh tương ứng.
Nhận xét về chi phí các show diễn ô tô hiện nay, cựu chủ tịch Cadillac, Johan de Nysschen, đã phải thốt lên: "Các chương trình triển lãm ô tô thật sự tốn kém. Chỉ tổ chức mấy cuộc họp báo mà lại đắt đến mức kinh ngạc. Tôi không hiểu tại sao nữa. Có lẽ các đơn vị tổ chức cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề này".
Và Paris Motor Show năm nay có tên VinFast
Ở một sân chơi có chi phí đắt đỏ dành cho các đại gia ô tô lớn, đại diện đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, VinFast, vẫn sẵn sàng đầu tư để bước lên sàn diễn xa hoa của Paris Motor Show. Tại triển lãm năm nay, VinFast sẽ chính thức giới thiệu với công chúng toàn cầu hai mẫu xe hơi đầu tiên của Việt Nam: một mẫu sedan và một mẫu SUV.
Chia sẻ trên website của mình, VinFast cho biết sự nổi tiếng cùng uy tín của sự kiện là cơ hội rất tốt để quảng bá cho tên tuổi một hãng xe mới, đồng thời đặt nền móng cho việc ô tô VinFast xuất hiện tại nước ngoài. Nhưng quan trọng hơn hết, đó là câu chuyện về một chiếc ô tô Việt mang tầm vóc và chất lượng quốc tế.
"Đến với Paris Motor Show, VinFast muốn cho thế giới thấy Việt Nam có thể làm được những gì. Đồng thời, VinFast mang đến niềm tự hào là xe thương hiệu Việt có thể sánh ngang với các thương hiệu xe quốc tế".
Paris Motor Show năm nay, với nhiều khán giả, có thể sẽ chẳng khác mọi năm: Vẫn là sân khấu hào nhoáng phô bày những chiếc xe bóng bẩy đi kèm công nghệ hiện đại. Chuyện thương hiệu này đến, thương hiệu kia đi vì không đủ chi phí cũng sẽ không làm họ bận lòng. Nhưng riêng với người Việt Nam, Paris Motor Show năm nay là một show diễn đặc biệt. Dù có yêu thích công nghệ, xe cộ hay không, họ vẫn dõi theo bởi nơi đó, giấc mơ về một chiếc ô tô "Made in Việt Nam" không chỉ thành hiện thực mà còn lên ngôi và tỏa sáng.
Theo Cafebiz
Tags:
kinh doanh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com