Theo Báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023 có 124 dự án của Việt Nam được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tại nước ngoài với tổng số vốn của phía Việt Nam là 282,7 triệu USD, giảm 33,7% so với năm trước; có 25 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 138,2 triệu USD, gấp 1,3 lần.
Tính chung, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 420,9 triệu USD, giảm 21,2% so với năm trước.
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Dẫn đầu là lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 156,9 triệu USD, chiếm 37,3% tổng vốn đầu tư. Thông tin và truyền thông đạt 120,6 triệu USD, chiếm 28,7%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD; chiếm 20%.
Trong năm 2023, có 26 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.
Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 2 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 150,3 triệu USD, chiếm 38% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Singapore 122,5 triệu USD, chiếm 31%; Lào 115,8 triệu USD, chiếm 29,3%; Cuba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 3%; Israel 6,1 triệu USD, chiếm 1,5%.
Việt Nam đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Canada trong ASEAN và ngược lại, Canada là bạn hàng lớn thứ hai của Việt Nam ở châu Mỹ. Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Canada và Việt Nam đã đạt trên 10 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 2018 (trước Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương - CPTPP). Canada hiện là đối tác đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam với trên 240 dự án và tổng vốn đầu tư lên đến 4,8 tỷ USD.
Có khoảng 80 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm sang Canada.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Canada, Chính phủ Canada đã công bố tổ chức phái đoàn doanh nghiệp Canada lớn nhất từ trước tới nay đến Việt Nam do Bộ trưởng Thương mại quốc tế Mary Ng dẫn đầu.
Đoàn doanh nghiệp Canada sẽ sang Việt Nam từ ngày 27 - 29/3/2024 nhằm tập trung tìm hiểu các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, y sinh, năng lượng sạch, công nghệ mới, công nghệ thông tin, công nghệ sáng tạo, công nghệ hàng không...
Theo kế hoạch, quản lý cấp cao của các công ty Canada sẽ có các cuộc gặp gỡ với các đối tác Chính phủ, hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam để tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến chính sách và các cơ hội tận dụng hiệp định thương mại và các cơ chế hiện có giữa hai nước cũng như các cơ hội đầu tư, bán hàng, cung ứng vào Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp Canada nhận định Việt Nam là cánh cửa để vào thị trường ASEAN. Đối với Việt Nam, lợi thế về công nghệ, tài chính, mạng lưới bạn hàng và logistics ở châu Mỹ, Canada cũng có thể là cánh cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam nâng quy mô và đi ra thế giới.
Theo Đời sống Pháp luật
Tags:
kinh doanh
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
giadinhtieudung@gmail.com